Vĩnh Phúc: Chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi​

Thứ tư, 19/01/2022 13:46
(ĐCSVN) - Thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp...
 Mô hình nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học của người dân tại Sông Lô, Vĩnh Phúc vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Nguồn ảnh: baovinhphuc.com.vn)

Chăn nuôi tuần hoàn góp phần hiệu quả trong bảo vệ môi trường

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh...

Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 13 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6 nghìn hộ chăn nuôi gà,… Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 40%. Qua đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như: kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường. 

Đáng chú ý, để tiếp tục giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2422/QĐ-UBND ngày 28/9/2020 về việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023, với quy mô: 22,5 triệu con gà, 400 nghìn con lợn, 6 nghìn con bò thịt, 5 nghìn con bò sữa.  Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các Trạm Khuyến nông huyện, Phòng Kinh tế thành phố, UBND các xã tổ chức 10 hội nghị triển khai chương trình và tiến hành hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi cho 3.535.000 con gà, 50.868 con lợn, 671 con bò sữa và 784 con bò thịt. Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường chăn nuôi đã làm giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thông qua chương trình hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học đã nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất về giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, khuyến khích, giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xử lý chất thải chăn nuôi góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

Đề xuất chính sách đặc thù cho nông hộ và doanh nghiệp

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại địa phương hiện vẫn còn nhều hạn chế, bất cập. Đó là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao (chiếm gần 60%), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh dịch bệnh, vệ sinh thú y, ô nhiễm môi trường. Việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích đất nông nghiệp ở một số địa phương bị thu hẹp để ưu tiên phát triển đô thị, không quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình trang trại tổng hợp,...

Do đó, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian tới, ngành chuyên môn và các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Hoàn thiện và phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp...

Cũng theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, để thúc đẩy ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, cần thiết phải có hành lang pháp lý cũng như những hướng dẫn, quy định để các doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện. Tùy thuộc từng nhóm ngành, sản phẩm, nguyên vật liệu và quy mô sản xuất nông nghiệp mà có những chính sách, hướng dẫn phù hợp. Các chính sách rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp một cách hệ thống và đồng bộ, cùng với các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) và chế tài minh bạch. Từ đó, sẽ giúp các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được khuyến khích thực hiện.

Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phải có đội ngũ chuyên gia giỏi giải quyết được các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình sản xuất. Đồng thời, hoàn thiện, nhân rộng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người người dân về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất trong nông nghiệp, hiệu quả của các mô hình này và những lợi ích mà phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại, từ đó góp phần giảm dần các mô hình sản xuất nông nghiệp theo lối cũ, lạc hậu./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực