Khai thông nguồn lực tại chỗ phát triển Bình Phước bền vững, hiệu quả
|
Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị (Ảnh: MPI) |
Ngày 12/7/2022, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị cùng các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án làm việc với Tỉnh ủyBình Phước về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Phước. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Bình Phước.
Hội nghị tập trung đánh giá sâu sắc, khách quan, toàn diện các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, nhất là những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của Tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,3%, cao hơn gấp 1,55 lần tăng trưởng cả nước (5,99%/năm); cơ cấu nền kinh tế năm 2020: khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,3%, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,7% đạt mục tiêu đề ra; khu vực dịch vụ chiếm 35%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 69,3 triệu đồng, tương đương 3.000 USD, đạt mục tiêu đề ra (68,34 triệu đồng). Năng suất lao động (NSLĐ) bình quân đạt 119,2 triệu đồng.
|
Bình Phước được biết đến là thủ phủ của hạt điều ở nước ta (Ảnh tư liệu) |
Tuy nhiên, tỉnh có những khó khăn tác động đến sự phát triển, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu và yếu, kết nối kém; công nghiệp chế biến còn phổ biến là sơ chế, gia công, giá trị gia tăng thấp; Sản phẩm xuất khẩu chưa chú trọng chế biến sâu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Giá cả mặt hàng nông sản luôn có chiều hướng giảm làm ảnh hưởng giá trị sản xuất toàn ngành; môi trường đầu tư kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự thông thoáng, hấp dẫn; chưa có cơ chế huy động nguồn lực chung để giải quyết các vấn đề của vùng cũng như thể chế liên kết vùng còn thiếu và yếu.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Ban Chỉ đạo khẳng định Hội nghị là cơ sở để Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là việc xác định tiềm năng, động lực phát triển chính của Bình Phước. Đồng thời, từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của địa phương đối với từng ngành, lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Qua đó, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hiện hành huy động nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Bình Dương
|
Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: MPI) |
Ngày 13/7/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị cùng các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Dương. Tiếp và làm việc với Đoàn có dồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Bình Dương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá sâu sắc, khách quan, toàn diện các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, nhất là những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,1%/năm, cao hơn gấp 1,52 lần tăng trưởng cả nước (5,99%/năm); Cơ cấu nền kinh tế năm 2020: khu vực dịch vụ chiếm vụ chiếm 22,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 66,59%, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,17%: đạt mục tiêu đề ra; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 151 triệu đồng, tương đương 6.506 USD. Năng suất lao động bình quân đạt 233,1 triệu đồng.
|
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (Ảnh tư liệu) |
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn tác động đến sự phát triển của địa phương, mặc dù kết cấu hạ tầng được đầu tư khá lớn, đồng bộ nhưng ngày càng quá tải chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao, chuyên khoa sâu...; công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng còn bất cập, tính dự báo của một số đồ án quy hoạch chưa cao; hiệu quả sử dụng vốn có xu hướng giảm; bẫy thu nhập trung bình; áp lực tăng dân số nhanh. Quá trình tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh trong thời gian qua đã tạo ra một sức ép lớn đến môi trường của tỉnh, có lúc, có nơi tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra; ô nhiễm nước ngầm một số khu vực có tốc độ công nghiệp hoá cao. Nguồn nhân lực cho phát triển vùng chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Chưa có cơ chế huy động nguồn lực chung để giải quyết các vấn đề của vùng cũng như thể chế liên kết vùng còn thiếu và yếu.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu về việc xác định tiềm năng, động lực phát triển chính của tỉnh Bình Dương. Đồng thời từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của địa phương đối với từng ngành, lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Qua đó, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hiện hành huy động nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của tỉnh là động lực tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước.