Theo đó, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Cần sự chung sức của toàn bộ cấp, ngành và hưởng ứng của người dân
|
Sử dụng máy móc gia tăng năng suất lao động nông nghiệp (Ảnh: PV) |
Tháng 12/2021, tại COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực-thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Phát thải tập trung ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất phát thải… Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, CH4 và N2O. Do đó, để thực hiện cam kết tại COP26 cũng như đưa đất nước trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới. Theo đó, thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
|
Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: PV) |
Có thể thấy, những cam kết tại COP26 là những minh chứng cho thấy sự nhạy bén, tầm nhìn mang tầm thời đại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi các cam kết của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại.
Vì lẽ đó, để hiện thực hóa những cam kết này cũng như thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, chúng ta cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội từ đó phát triển một nền nông nghiệp xanh, carbon thấp và bền vững.
Ngay sau COP26, Chính phủ đã và đang tiếp tục sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang triển khai xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Sáng kiến mới từ xây dựng nền nông nghiệp tái sinh
|
Sử dụng mô hình trồng rau, trồng hoa trong nhà có mái lợp (Ảnh: PV) |
Đánh giá về lợi ích cũng như ý nghĩa của phát triển nông nghiệp tái sinh, TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho rằng, nông nghiệp tái sinh – một sáng kiến có tiềm năng lớn giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Cụ thể, nông nghiệp tái sinh nhằm bảo tồn và khôi phục đất nông nghiệp, hệ sinh thái và các tài nguyên quan trọng như đất đai, đa dạng sinh học và nước, mang lại lợi ích cho nông dân, môi trường và xã hội nói chung. Do đó, nông nghiệp tái sinh cũng nhằm làm giảm sự phụ thuộc của nông dân vào các yếu tố đầu vào của nông nghiệp, cải thiện khả năng chống chịu của đất nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu và mang lại lợi ích cho sinh kế của nông dân.
Chính vì vậy, hiện nay tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh không còn là một khái niệm xa lạ với người nông dân và các doanh nghiệp. Ở rất nhiều địa phương, các chương trình phát triển nông nghiệp đã lấy phát triển nông nghiệp tái sinh là trụ cột. Và điều quan trọng và có ý nghĩa lâu dài nhất chính là khái niệm nông nghiệp tái sinh trong cộng đồng cà phê bền vững Tây Nguyên nói riêng cũng như ngành nông nghiệp nói chung ngày càng rõ nét. Người nông dân đã biết áp dụng các phương pháp từ cây giống, cách chăm sóc, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón đến thu hoạch một cách khoa học theo hướng phát triển bền vững./.