Xây dựng pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ sáu, 17/03/2023 17:10
(ĐCSVN) - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo về “Định hướng xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Doanh nghiệp” (Luật số 69/2014/QH13). Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
 Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh; HT)

Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội; đại diện một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; Cục Tài chính doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đánh giá, tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và xây dựng Hồ sơ đề nghị đưa dự án Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ Luật để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 với mục tiêu sửa đổi toàn diện, ban hành Luật kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, để hoàn thiện các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tài chính mong muốn nhận được các ý kiến tham gia từ các đại biểu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Tập đoàn, Tổng công ty đối với: Tên và phạm vi điều chỉnh của Luật; Đối tượng áp dụng; Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…

Tại hội thảo, ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trình bày tóm tắt một số nội dung gợi ý về chủ trương, định hướng xây dựng Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13. Theo đó để thực hiện nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch, phân định với chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu; Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, về tên Luật gợi ý đổi tên thành “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Về phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Về đối tượng áp dụng: đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thực hiện quản lý, giám sát vốn được đầu tư tại các doanh nghiệp, cụ thể: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, với dự kiến đề xuất một số chủ trương, định hướng xây dựng Luật sửa đổi, thay thế Luật số 69/2014/QH13 nêu trên sẽ cần có thời gian để hoàn thiện và cụ thể hóa các nội dung chính sách. Do đó về tiến độ cần xem xét, điều chỉnh, dự kiến trong tháng 7/2023, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13, trình Quốc hội thông qua Luật tại kỳ họp thứ 7 (5/2024), dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Đây là hội thảo thứ ba được tổ chức trong chương trình xây dựng Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13. Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những quan điểm, định hướng lớn như: Khái niệm “Vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” và ảnh hưởng đến phạm vi điều chỉnh của Luật; Đối tượng điều chỉnh của Luật để phù hợp với quy định của mặt bằng pháp luật liên quan, theo nguyên tắc thị trường và tiệm cận với thông lệ tốt của thế giới, theo đó đối tượng điều chỉnh ngoài doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như hiện nay còn bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và có phương thức điều chỉnh phù hợp với tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Thảo luận về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phù hợp với vai trò của DNNN trong bối cảnh Việt Nam và quốc tế giai đoạn tới; Các nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong đó: tách bạch chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý ngành và quản trị doanh nghiệp; Những nội dung cần luật hóa liên quan đến tổ chức lại, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, quy định về xử lý đất đai trong quá trình này; Mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và định hướng đẩy mạnh cơ chế phân công, phân cấp giữa các chủ thể liên quan; Đổi mới đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng tập trung vào các tiêu chí đánh giá về hiệu quả, bỏ tiêu chí về tuân thủ; Sự cần thiết có các bộ chỉ tiêu đánh giá theo ngành, lĩnh vực để thực hiện vai trò chủ đạo của DNNN; Đổi mới cơ chế phân phối kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước - nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp - quyền lợi của người lao động; Nguyên tắc áp dụng, mối quan hệ giữa Luật này với pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành… Về cơ bản các ý kiến phát biểu tại hội thảo đồng tình với việc cần sửa đổi một cách căn bản, toàn diện cơ chế chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của đại biểu dự hội thảo. Các ý kiến đã cung cấp những định hướng quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ đề nghị dự án Luật để Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Quốc hội. Trong thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, tham gia, góp ý của các Bộ, ngành, các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty trong quá trình xây dựng Luật.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực