Dữ liệu của Amazon cho thấy trong ba năm qua, số lượng thương hiệu Việt Nam đăng ký thương hiệu trên Amazon (Brand Registry) đã tăng gấp 7 lần và thời gian để đối tác bán hàng Việt Nam chuyển từ giai đoạn đăng ký tài khoản bán hàng đến đăng ký thương hiệu đã rút ngắn trung bình 85%. Ngoài ra, các đối tác bán hàng Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc mở rộng toàn cầu, với 18,6% các đối tác bán hàng đã được bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản cũng như các khu vực khác.
Theo một khảo sát của Amazon, bên cạnh tăng trưởng doanh số, việc xây dựng và phát triển thương hiệu toàn cầu cũng là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong những năm gần đây, những đối tác bán hàng thành công từ Việt Nam cũng cho thấy sự đầu tư nghiêm túc vào việc đăng ký và xây dựng thương hiệu, tận dụng các công cụ và sản phẩm của Amazon để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thu hút và thúc đẩy lượng truy cập vào cửa hàng trực tuyến và trang bán hàng, đồng thời nỗ lực nâng cấp hình ảnh, nội dung, câu chuyện về sản phẩm và thương hiệu.
Ngoài ra, theo một khảo sát nội bộ, các đối tác bán hàng Việt Nam thể hiện sự hài lòng cao đối với các sản phẩm và dịch vụ của Amazon trong việc hỗ trợ người bán xây dựng thương hiệu riêng (mức độ hài lòng cao đứng thứ 2 trong số các danh mục đánh giá).
|
Amazon cam kết nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ của các đối tác bán hàng, đồng thời thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến. |
Trong bối cảnh Việt Nam đang dần bước vào một giai đoạn mới của thương mại điện tử xuyên biên giới, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Trong những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã khẳng định tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE, Việt Nam đã và đang thực hiện một số nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả. Đầu tư mạnh mẽ vào các quyền sở hữu trí tuệ là một động lực tích cực giúp kích thích năng lực đổi mới trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, đồng thời giúp các doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và có hiệu quả với các quốc gia trên thế giới.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc hợp tác với các tổ chức và hiệp hội thương mại để hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái cũng như nâng cao năng lực thực thi quyền và nghĩa vụ theo luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu hướng dẫn đăng ký, bảo vệ nhãn hiệu và bằng sáng chế của Bộ Khoa học & Công nghệ khi giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ ra thị trường trong nước và liên hệ các tổ chức quốc tế uy tín để được bảo hộ thương hiệu khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài" - Phó Chủ tịch VAFIE nói.
Amazon cam kết nâng cao nhận thức và khả năng tuân thủ của các đối tác bán hàng, đồng thời thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu trực tuyến thông qua công nghệ, giáo dục và thực thi.
Về công nghệ: Amazon sở hữu một bộ công cụ mạnh mẽ dành cho các đối tác bán hàng để tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon (Amazon Brand Registry), đáp ứng nhu cầu quản lý và bảo vệ thương hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ của mình. Thông qua chương trình đăng ký thương hiệu (Brand Registry), Amazon có thể bảo vệ hiệu quả các thương hiệu nhờ vào các biện pháp bảo vệ tự động dựa trên công nghệ máy học và phân tích dữ liệu mà thương hiệu cung cấp khi đăng ký thương hiệu; đồng thời có thể tìm ra và báo cáo kịp thời các vi phạm đáng ngờ.
Bên cạnh đó, công cụ transparency cung cấp cho mỗi sản phẩm thuộc sở hữu của thương hiệu một mã 2D duy nhất để ngăn chặn hàng giả, từ đó, khách hàng có thể xác minh được sản phẩm đến từ thương hiệu đó. Báo cáo vi phạm cho phép các thương hiệu phát hiện các hành vi vi phạm tiềm ẩn và công cụ chống hàng giả Project Zero cũng trao cho các thương hiệu quyền loại bỏ trực tiếp các đăng tải sản phẩm vi phạm ra khỏi danh mục sản phẩm ra khỏi gian hàng trên Amazon.
Về giáo dục, Amazon Global Selling Việt Nam cung cấp các khóa đào tạo liên tục về quy định tuân thủ và bảo vệ thương hiệu, giúp doanh nghiệp nắm rõ được các điều khoản và chính sách hiện hành để phòng trừ các rủi ro trong quá trình vận hành kinh doanh. Các đối tác bán hàng và thương hiệu được tiếp cận và cập nhật các chính sách bán hàng mới nhất trên Amazon và các thị trường mục tiêu cũng như kiến thức chuyên sâu thông qua các kênh như: Trung tâm Nhà bán hàng (Seller Central), Học viện Nhà bán hàng (Seller University), website của Global Selling Vietnam...
Về thực thi, Amazon hợp tác với các cơ quan chính phủ, và hiệp hội ngành hàng tích cực thúc đẩy việc hoàn thiện các quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thương mại điện tử xuyên biên giới. Cụ thể, đơn vị Chống tội phạm hàng giả của Amazon hợp tác với các thương hiệu và cơ quan thi hành pháp luật trên toàn thế giới để thực hiện điều tra về hàng nhái và gian lận trên Amazon - ngăn chặn các trường hợp lạm dụng cửa hàng Amazon và các nhà bán lẻ khác trong toàn ngành, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và một địa chỉ mua sắm đáng tin cậy cho người tiêu dùng.