Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ nhiều triển vọng

Thứ hai, 24/07/2023 16:53
(ĐCSVN) - Lãi suất không tăng, lạm phát dần được kiểm soát, sức mua đang phục hồi trở lại, kỳ vọng xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ sớm khởi sắc trong năm 2024.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ nhiều triển vọng (Nguồn: vneconomy) 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm nay đạt 299 triệu USD, giảm 38%. Tháng 6/2023, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Hoa Kỳ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sụt giảm là do lạm phát, thắt chặt chi tiêu, tồn kho lớn; giảm động lực nhập khẩu do lãi suất tăng. Mặt khác, nguồn cung vào thị trường tăng lên từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia.

Đáng chú ý, giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao so với các đối thủ cạnh tranh do chi phí vận hành và quản lý đối với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, không tối đa hóa được hiệu quả của nguyên liệu đầu vào. “Kỳ vọng giá tôm thấp tại Hoa Kỳ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng”, VASEP nhận định.

Việt Nam hiện đứng thứ 4 về nhập khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ do Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng trong nuôi trồng thủy sản và các nước xuất khẩu (theo báo cáo KIS Vietnam Securities Corp công bố tháng 4/2023).

Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có giá kém cạnh tranh hơn nhưng danh tiếng về sản phẩm chất lượng cao đã thúc đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam giữ vị trí Top 4 với tốc độ tăng trưởng kép 18,9% trong 5 năm qua.

Nhận định về thị trường xuất khẩu 6 tháng cuối năm, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá, lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát cùng với sức mua đang phục hồi trở lại. Kỳ vọng thị trường tôm ở Hoa Kỳ sớm khởi sắc trong năm 2024.

Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ, Thương vụ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh,… Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nắm rõ các quy định, luật lệ và yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang. Luôn đáp ứng yêu cầu chất lượng, vệ sinh thực phẩm; nâng cao hàm lượng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm (tôm bao bột, ăn liền, tempura…).

Tích cực quảng bá, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tiếp cận các kênh phân phối chính thức và chuyên biệt bao gồm hệ thống các siêu thị châu Á và người Việt. Đẩy mạnh sử dụng kênh thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới. Phát triển các mô hình liên kết sản xuất, các nhà cung cấp nguyên liệu.

4 quốc gia châu Á có sản phẩm tôm tương đồng cao bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Năm 2004, tôm Việt Nam bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra và kết luận áp thuế chống bán phá giá 4,30% đến 25,76%. Đến tháng 7/2016, DOC dỡ cho 01 doanh nghiệp Việt Nam. Sau đợt rà soát hành chính POR 13, Việt Nam có 2 bị đơn bắt buộc và 29 công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ mức 0%.

Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ tôm lớn trên thế giới, nhưng sản xuất tôm ở Hoa Kỳ hiện chỉ đáp ứng 10% nhu cầu nội địa và phải nhập khẩu tới 90%, trong đó 50 - 60% là tôm nuôi, nước ấm/nước lợ và đông lạnh. Nguồn cung cấp tôm chính cho Hoa Kỳ là các nước Mỹ Latinh như Ecuador, Mexico, Argentina và các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam…

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực