Xúc tiến thương mại đa kênh hiệu quả

Thứ sáu, 25/11/2022 09:04
(ĐCSVN) - Đây là một trong những nội dung trọng tâm của “Hội nghị xúc tiến thương mại đa kênh và kết nối giao thương”, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 24/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
 Hội nghị xúc tiến thương mại đa kênh và kết nối giao thương (Ảnh: BCT)

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm hỗ trợ cho các hợp tác xã nâng cao năng lực về thị trường, khách hàng, tăng cường thêm nhãn quan về các xu thế tiêu dùng để từ đó hợp tác xã có thể điều chỉnh sản xuất và thích ứng sản phẩm. Đặc biệt, việc từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến sản phẩm là điểm nhấn rất quan trọng của sự kiện lần này.

Hội nghị quy tụ hơn 200 đại biểu đến từ các tổ chức đa phương, tổ chức quốc tế ở Việt Nam, các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp liêu kết của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam… các tổ chức Xúc tiến thương mại Việt Nam.

Qua đây, nắm bắt nhu cầu kết nối giao thương, xúc tiến bán hàng, nắm bắt thông tin các thị trường xuất khẩu của các hợp tác xã trên cả nước, nhằm đưa hàng Việt có vị thế tốt hơn ngay chính thị trường trong nước, hỗ trợ các hợp tác xã và người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hóa, nhất là hàng hóa có chất lượng do chính hợp tác xã, doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Thời gian qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã cả về bề rộng lẫn chiều sâu như: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu… Đồng thời tạo cơ hội cho hợp tác xã phục vụ phát triển sản xuất trong nước, quảng bá thương hiệu sản phẩm thế mạnh của các vùng miền, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực thị trường, khách hàng, tăng cường thêm nhãn quan về các xu thế tiêu dùng để từ đó hợp tác xã có thể điều chỉnh sản xuất, thích ứng sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các diễn giả tại phiên Toạ đàm “Xúc tiến thương mại đa kênh” đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, trong đó dùng các công cụ đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Với trên kinh nghiệm trên 10 năm chuyên xuất, nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam đi các thị trường quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Luận - đại diện Australia Global Connection (Công ty Xuất nhập khẩu tại Úc) chia sẻ: Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường quốc tế; trong đó, nhiều mặt hàng đã và đang có vị trí dẫn đầu như: hạt điều, cà phê, cacao, tiêu... Tuy nhiên, dù tiềm năng của đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn nhưng thời gian qua, việc phát huy lợi thế này cũng còn nhiều hạn chế do sự nhận thức chưa đày đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản vùng miền, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương.

“Để đạt được điều đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, ưu tiên rà soát đánh giá thực trạng các sản phẩm tiềm năng để có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ tại mỗi địa phương, lựa chọn những sản phẩm chiến lược trong mỗi nhóm sản phẩm, phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, ký kết hợp đồng tiêu thụ qua các hội nghị kết nối cung cầu, gặp gỡ quảng bá sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước” - ông Nguyễn Ngọc Luận nhấn mạnh.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực