Đồng bằng sông Cửu long phát huy mô hình sản xuất tôm – lúa

Thứ ba, 16/08/2016 10:25
(ĐCSVN) - Mô hình nuôi tôm và sản xuất lúa hiện đang mang lại hiệu quả cao cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đây là mô hình canh tác được cho là hiệu quả, vốn đầu tư thấp, do nuôi tôm trong ruộng lúa tận dụng được thức ăn tự nhiên, bảo vệ được môi trường sinh thái, và tôm thương phẩm có chất lượng.

Mô hình sản xuất tôm lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (Nguồn: Báo Cần Thơ)

Sau hơn 15 năm triển khai, mô hình nuôi tôm – lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thấy hiệu quả kinh tế của nó. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, toàn vùng có trên 175.000 ha tôm lúa. Sản lượng đạt 75.000 tấn. Trong đó vùng nuôi tôm tập trung ở các tỉnh là Kiên Giang: 77.800ha; Cà Mau: 42.800ha; Bạc Liêu:  29.400ha; Sóc Trăng: 17.700ha.v.v…

Trung bình một vụ tôm cho năng suất đạt từ 300kg đến 500 kg/ha trồng lúa, và một vụ lúa đạt từ 4 tấn đến 7 tấn lúa/ha. Chi phí sản xuất khoảng từ 30 - 35 triệu đồng/ha, lãi đạt bình quân từ 35 triệu đến 50 triệu đồng/ha/năm (tính chung cả tôm và lúa). Thông thường các loại lúa trồng kết hợp với nuôi tôm là ST, Một bụi đỏ, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677… cho năng suất khá cao. Còn tôm nuôi trong ruộng lúa là các loại như tôm sú, tôm thẻ (chân trắng) hoặc tôm càng xanh hay nuôi ghép cua biển để tăng hiệu quả kinh tế.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại 8 tỉnh có điều kiện phát triển mô hình tôm – lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 970.000 ha sản xuất lúa, trong tổng số 1.560.000 ha lúa đông xuân của toàn vùng vùng, chiếm hơn 62% diện tích. Do đó, tiềm năng phát triển vùng nuôi tôm-lúa của Đồng bằng sông Cửu Long là khá lớn. Điều này càng có ý nghĩa khi tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây, nhất là vào những tháng đầu năm 2016.

Có thể thấy, mô hình luân canh tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long qua  thực tiễn sản xuất đã đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho người nông dân. Ưu điểm vượt trội là nuôi tôm, trồng lúa ít dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm lúa, tôm đều sạch, môi trường được giữ gìn tốt hơn. Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vấn đề trở ngại hiện nay là ở một số địa phương điều kiện thủy lợi, kênh cấp nước, thoát nước chưa đảm bảo; kỹ thuật sản xuất còn hạn chế. Việc cung cấp giống lúa, giống tôm, vật tư nông nghiệp cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Có như vậy, người nông dân mới hoàn thiện qui trình sản xuất để tăng năng suất cho cả hai vụ tôm và lúa. Được biết, tiềm năng mở rộng mô hình lúa-tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đến năm 2030 có thể đạt 300.000 ha./..

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực