(ĐCSVN) - Năm 2011, các hoạt động kinh tế của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh có nhiều biến động khó lường cả trong nước và quốc tế. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm.
1. Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khoá XI) diễn ra hồi tháng 10/2011 đã thông qua Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công chỉ có thể thành công trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và 5 năm để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất, theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhất các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển theo quy hoạch.
|
Phát huy hiệu quả, khắc phục khó khăn, năm 2012, cả nước tập trung triển khai tái cấu trúc nền kinh tế (Ảnh minh họa: PV) |
Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại. Các tổ chức tài chính phải đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng và ngoại tệ, khắc phục tình trạng đô la hoá; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, vay trả nợ nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán và các nguồn vốn nóng khác; từng bước giảm tỉ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ ngân hàng.
Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng; chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015…
2. Đẩy mạnh kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội
Ngày 24/2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Theo tinh thần của Nghị quyết 11, sẽ tập trung vào giảm tín dụng phi sản xuất; tiết kiệm 10% chi thường xuyên; dừng khởi công các dự án mới...
Ngay sau đó, các bộ, cơ quan và địa phương đã tập trung chỉ đạo, tích cực xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù việc Chính phủ cho điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng như: Điện, xăng,... kéo theo tác động tăng giá chung, nhưng thực tế cho thấy, đây là điều cần thiết và không gây sức ép quá mức cho nền kinh tế, cũng như đời sống của người dân, đồng thời, đảm bảo được sự ổn định vĩ mô về lâu dài.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lạm phát tăng cao gây khó khăn cho công tác điều hành thì chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt được quan tâm đặc biệt. Và, thực tế sự điều hành của Chính phủ và ngành ngân hàng thời gian qua cho thấy tình hình đang trong tầm kiểm soát.
|
Mặc dù còn khó khăn nhưng kinh tế năm 2011 vẫn tăng trưởng khá (Ảnh minh họa: PV) |
Có thể thấy, Nghị quyết 11 đã bước đầu thể hiện sự đúng đắn khi nền kinh tế nước ta trong năm 2011 tuy còn khó khăn nhưng vẫn giữ được sự ổn định. Từ thành công này, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2012 diễn ra ngày 22-23/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy viện thực hiện Nghị quyết 11 trong năm 2012.
3. Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, trong đó, khẳng định: Trong bối cảnh khó khăn chung, nước ta vẫn có thể phát huy những tiềm năng, lợi thế của một nước đi sau, đang trong quá trình công nghiệp hóa với nền nông nghiệp giàu tiềm năng sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài và thị trường nội địa phát triển nhanh. Trong 2 - 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm, nước ta sẽ tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 2-3 năm tiếp theo, bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội chỉ rõ, trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, dự kiến sẽ huy động 225 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là nguồn vốn huy động lớn và thực chất cũng được bảo đảm trả nợ bằng ngân sách nhà nước. Do vậy, tính bội chi trước mắt áp dụng theo cách tính hiện nay và cần sớm cộng thêm trái phiếu chính phủ để sử dụng nguồn vốn của Nhà nước tập trung, tăng tính trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn.
4. Kim ngạch xuất khẩu cao, đặc biệt thắng lợi trong xuất khẩu gạo và nông sản
Tính đến hết 11 tháng năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 87,16 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010. Với kết quả này, xuất khẩu đã chính thức cán đích kế hoạch năm nay và vượt khá xa so với chỉ tiêu 80 tỷ USD mà Bộ Công thương đặt ra cho cả năm; trong đó, đặc biệt thắng lợi trong xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản.
Xuất khẩu gạo cán đích 7 triệu tấn: Năm 2011, sản lượng gạo xuất khẩu cán đích 7 triệu tấn. Sự thành công trên đấu trường quốc tế của gạo Việt cũng thể hiện ở góc độ giá đuổi kịp gạo Thái Lan ở một số thời điểm, thiết lập chặt chẽ các mối quan hệ bạn hàng truyền thống với: Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và mở ra nhiều thị trường mới quan trọng như: Bangladesh, Bờ Biển Ngà, Senegal...
Xuất khẩu nông sản thắng lợi kép: Năm 2011, giá cả hàng nông, lâm, thủy sản trên thị trường thế giới tăng mạnh, cùng với sản xuất trong nước được mùa, đã tạo nên thắng lợi kép "được mùa, được giá". Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm nay đạt 25 tỷ USD, tăng thêm hơn 5 tỷ USD so với năm 2010. Nông sản trở thành ngành tiên phong đạt giá trị xuất siêu với 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Nhờ xuất khẩu tăng mạnh, nên các loại nguyên liệu nông, lâm, thủy sản trong nước được tiêu thụ khá thuận lợi với giá cao, kích thích sản xuất phát triển, nông dân tăng thu nhập.
|
Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt kết quả khả quan (Ảnh minh họa: PV) |
5. Nhập siêu thấp nhất 5 năm trở lại đây
Năm 2011, mức nhập siêu cả năm khoảng 10 tỷ USD, tương đương 10,2%-10,4 % tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2008, nhập siêu 18 tỷ USD, tương đương 26,5%); năm 2009, nhập siêu 12,9 tỷ USD, tương đương 22,5%; năm 2010, nhập siêu 12,7 tỷ USD, tương đương 17,5%). Đây là năm có mức nhập siêu thấp nhất kể từ năm 2007, khi Việt Nam gia nhập WTO.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhập siêu giảm khá mạnh ở những thị trường mà Việt Nam nhập nhiều hàng trong nhiều năm qua. Tỷ lệ nhập siêu từ khu vực ASEAN giảm còn 59%, Trung Quốc: 126,6%, Hàn Quốc: 167,5%, Đài Loan: 371,0%.
6. Nhiều công trình lớn đi vào hoạt động:
Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/1/2011: Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư trên 3 tỉ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Tổ máy số 1, Nhà máy thủy điện Sơn La phát điện ngày 7/1/2011: Việc đưa tổ máy số 1 và toàn bộ nhà máy vào phát điện sớm 2 năm so với Nghị quyết Quốc hội đề ra đã góp phần đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là trong các tháng mùa khô 2011. Điều đáng tự hào của công trình Thủy điện Sơn La không chỉ ở tính hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với tổng công suất 2.400 MW mà còn là công trình lớn đầu tiên của Việt Nam, trong tất cả các khâu quan trọng đều do kỹ sư và công nhân thuộc doanh nghiệp trong nước thực hiện.
Hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây chính thức thông xe ngày 20/11/2011: Đây là công trình trọng điểm trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 22km, mặt cắt ngang phía Quận 1 có chiều rộng bình quân từ 42-62m, quy mô 8-10 làn xe; mặt cắt ngang phía Quận 2 có chiều rộng bình quân 100m, quy mô 10-14 làn xe. Riêng đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, hầm dìm dài nhất Đông Nam Á và là công trình trọng điểm của dự án đại lộ Đông – Tây có tổng chiều dài 1.490m, rộng 33m với quy mô 6 làn xe và 2 đường thoát hiểm. Trên toàn tuyến Đại lộ Đông – Tây có tổng cộng 11 cầu, 2 nút giao lớn với tổng chiều dài 3,2km và 8 cầu bộ hành được xây dựng mới. Tất cả hệ thống cầu, đường đều được xây dựng đạt tiêu chuẩn thiết kế và công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện nay.
|
Thông xe hầm Thủ Thiêm, đưa tổ máy số 1 nhà máy Thủy điện Sơn La phát điện sớm, khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất... (Ảnh minh họa: PV) |
7. Các nhà tài trợ quốc tế cam kết vốn ODA dành cho Việt Nam là 7,4 tỷ USD
Đó là kết quả rất đáng chú ý tại Hội nghị cuối kỳ 2011 Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG). Con số này, theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tuy thấp hơn mức cam kết 7,9 tỷ USD tại Hội nghị CG cuối kỳ 2010, song nếu trừ đi khoản 500 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho ứng phó với tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì tương đương năm ngoái.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, các đối tác phát triển vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, con số này tiếp tục là lời khẳng định cho lòng tin của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam.
8. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới
Bất chấp kinh tế thế giới khó khăn, nguồn kiều hối về Việt Nam năm 2011 được dự báo sẽ đạt trên 9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã trở thành 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.
Với gần 4 triệu Việt kiều sống trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng vạn lao động xuất khẩu, nguồn lực kiều hối trong tương lai vẫn được coi là còn dư địa và tiềm năng tăng trưởng.
9. Thị trường bất động sản đóng băng:
Với những khó khăn chung của nền kinh tế, bất động sản (BĐS) năm 2011 gần như đóng băng trong 2 quý cuối năm. Thiếu vốn và dự án khả thi, các giao dịch BĐS hầu như không thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tích cực, BĐS trầm lắng cũng là một điều kiện tốt để hoàn thiện lại thị trường vốn dĩ có sức tăng trưởng quá nóng trong thời gian qua.
Có thể thấy, với việc tăng trưởng quá nóng của thị trường BĐS trong vài năm trở lại đây đã khiến cho thị trường này mất đi tính cân bằng cần thiết và gần như bị thả nổi theo thị trường. Do đó, khi dòng vốn vay bị siết chặt, thị trường này đã gần như bị tê liệt hoàn toàn. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường BĐS muốn ổn định thì ngoài nguồn vốn vay rất cần có nguồn tiền nhàn rỗi đổ vào. Bên cạnh đó, cần có dự án đầu tư hiệu quả để thu hút nhà đầu tư hơn nữa.
10. Thị trường tài chính đầy biến động
Những biến động lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng: Trong năm 2011, bên cạnh việc chịu những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng đã xuất hiện ngày càng rõ nhiều dấu hiệu rủi ro. Năm 2011 ghi lại sự vỡ lở của các vụ việc “vượt trần lãi suất”, “mặc cả lãi suất”… làm xấu đi hình ảnh của một số ngân hàng và có thể tạo ra những hệ lụy xấu trong hệ thống.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, đã có những dấu hiệu khởi sắc của ngành khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và sự kiện NHNN nhất trí để Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn hợp nhất thành ngân hàng mới vào ngày 6/12/2011 được đánh giá là sự kiện nóng nhất của ngành Ngân hàng năm 2011. Đây là 3 ngân hàng đầu tiên sáp nhập sau khi Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 11/2011 cơ bản nhất trí với đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng cả nước.
|
Năm 2011 đánh dấu một năm đầy biến động của thị trường tài chính (Ảnh minh họa: PV) |
Sự xuống dốc của thị trường chứng khoán: Năm 2011 là năm chứng kiến sự đi xuống thê thảm của thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán trên sàn HOSE và HNX liên tục “phá đáy” và dường như quá trình này vẫn chưa có điểm dừng. Trong những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2011, giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường xuống thấp đến mức đáng kinh ngạc: Có loại cổ phiếu chỉ còn giá trị 600 – 700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 50 lần so với thời điểm có giá cao nhất.
Theo thống kê, trên sàn HOSE có 150 mã và HNX có 256 mã dưới mệnh giá, trong đó, lượng cổ phiếu có giá dưới 3.000 đồng là khoảng 30 mã. Hầu hết các cổ phiếu lâm vào tình trạng này đều có kết quả tài chính thua lỗ. Chỉ số lòng tin trên thị trường đang ở mức thấp kỷ lục trong suốt lịch sử 11 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Cơn lốc” giá vàng: Nếu như năm 2009 và 2010, ở Việt Nam đã chứng kiến những đợt biến động mạnh của giá vàng, thì đến tháng 7 – 8/2011, giá vàng lại lâm vào trạng thái tăng – giảm bất thường mới. Có ngày, giá vàng thay đổi tới 42 lần (ngày 9/8/2011). Trong những ngày tiếp theo, giá vàng thường xuyên có những biến động “nóng, lạnh” thất thường.
Sự biến động thất thường của thị trường vàng không chỉ phản ánh động thái chung thị trường thế giới, mà còn liên quan đến sự thao túng, “làm giá” của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn hay những “chiêu” gây nhiễu và tạo sóng của giới đầu cơ.