16 cúp vàng và 18 cúp bạc trao tặng điển hình tiên tiến phát triển nông nghiệp hữu cơ

* Kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam
Thứ bảy, 26/11/2022 16:50
(ĐCSVN) – Suốt 10 năm qua, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã quy tụ được nhiều nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, người sản xuất... Đồng thời, xây đắp được một nền tảng “cánh tay nối dài” để hệ thống hoạt động tích cực, hiệu quả, đa dạng từng bước đưa ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế cả chiều sâu và chiều rộng.

Sáng 26/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội (2011 - 2021) và tôn vinh các điển hình tiên tiến phát triển nông nghiệp hữu cơ toàn quốc lần thứ II. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Trao tặng Bằng khen cho 80 tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (Ảnh: HNV)

Phát biểu tại sự kiện, TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thông tin, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam được thành lập theo Quyết định 1820/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 31/10/2011. Suốt 10 năm qua, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã vận động hàng nghìn hội viên, có nhiều văn bản tư vấn, đề xuất cơ chế chính sách với các Bộ, ngành và kết quả đã được Bộ NN-PTNT, Chính phủ cụ thể hóa bằng chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến việc vận động tập hợp hàng ngàn hội viên cùng nhau đề xuất xây dựng chính sách nông nghiệp hữu cơ và đã trở thành hiện thực. Đến nay đã có Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về Nông nghiệp Hữu cơ ngày 29/8/2018; Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041 về nông nghiệp hữu cơ; Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 1/11/2019 do Bộ NN-PTNT ban hành Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ.

Cũng theo TSKH. Hà Phúc Mịch, ngay từ Đại hội I Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (năm 2012), Hiệp hội đã lựa chọn phương châm: “Đi tắt, đón đầu, kết nối, hội nhập nông nghiệp hữu cơ thế giới” và đã mời lãnh đạo Tổ chức IFOAM quốc tế đến dự. Đây cũng là nền tảng quan trọng để Hiệp hội có 3 lần tham gia hội nghị, hội thảo toàn quốc về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, phải kể đến “Diễn đàn quốc tế: Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – Phát triển và hội nhập” diễn ra vào tháng 12/2017 do Bộ NN&PTNN, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam và Tập đoàn TH phối hợp tổ chức.

Điểm 9, Điều 2, phần Tổ chức thực hiện của Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 nêu rõ: “Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam phối hợp tham gia tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho hội viên thực hiện thực hiện thuộc thẩm quyền của Hiệp hội”.

Hiện nay, Hiệp hội là thành viên chính thức của Tổ chức IFOAM quốc tế, IFOAM châu Á.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc đại diện Công ty TNHH hồ tiêu Việt (Vietpepper) đến từ Ea H'Leo, Đắk Lắk là 1 trong 16 đơn vị vinh dự nhận Cúp vàng lần này (Ảnh: HNV) 

Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhân… sản xuất nông nghiệp hữu cơ và Hội viên của Hiệp hội đã phát triển khắp cả nước. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Sản phẩm hữu cơ được cộng đồng xã hội tin dùng và hưởng ứng ngày càng tăng cao. Một số sản phẩm hữu cơ như gạo, thủy sản, chè, sữa, gia vị, dừa… đã có chứng nhận quốc tế và xuất khẩu tới thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Xuất hiện nhiều điển hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo quy mô lớn, bài bản theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối, tiêu dùng như Tập đoàn TH, Vinamit, Vinamilk, Quế Lâm, Vinasamex… Hàng năm, Hiệp hội đã tổ chức khu gian hàng hữu cơ Quốc gia Việt Nam (Vietnam Organic) trong Hội chợ hữu cơ Quốc tế lớn nhất BIOFACH tại CHLB Đức.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Đỗ Văn Chiến biểu dương những thành tích mà Hiệp hội đã đạt được trong suốt thời gian qua. Đồng chí khẳng định, 10 năm là một chặng đường phấn đấu với vô vàn những khó khăn, thách thức chưa phải dài, nhưng có ý nghĩa bước ngoặt lịch sử - đặt nền móng cho nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từng bước phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, nhân văn của xã hội đương đại.

Tại sự kiện, Ban tổ chức đã trao tặng 16 cúp vàng, 18 cúp bạc cùng 80 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ toàn quốc trong suốt thời gian qua.

Trong niềm phấn khởi nhận Cúp vàng lần này, ông Trần Văn Hiếu, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và tư vấn môi trường (Dace) đã gửi gắm thông điệp và mong muốn về một nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trở thành hạt nhân điển hình của khu vực cũng như thế giới. “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng chính là cách làm thuận tự nhiên và mang lại những sản phẩm, thực phẩm sạch phục vụ con người, góp phần làm nên sự phát triển vững mạnh của gia đình, xã hội và quốc gia. Việc công nhận các điển hình trong phát triển nông nghiệp hữu cơ là sự động viên kịp thời của hệ thống cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội với những phát triển của riêng Dace cũng như nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang ngày ngày nỗ lực vì một nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam bền vững và hiệu quả.” – vị đại diện Công ty này nói./.

Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 châu Á và thứ 3 ASEAN về tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo thống kế, đến nay, số lượng tỉnh, thành cả nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ tăng từ 46 tỉnh năm 2018 lên 57 tỉnh trong năm 2021 (hiện nay là 62 tỉnh thành). Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khoảng trên 174.351ha, tăng 47% so với năm 2016; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo, có khoảng 17.174 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chế biến có khoảng 555 đơn vị; nhà xuất khẩu là 60 doanh nghiệp và nhà nhập khẩu 40 doanh nghiệp; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 335 triệu USD/năm, tăng hơn 418% giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 – 2016 và rất đa dạng, gồm: hè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị.... 
Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực