|
Khu du lịch Mũi Né - Bình Thuận, điểm đến của du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: K.V) |
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 2 ước đạt gần 296 tỷ đồng, tăng 25,46% so với tháng trước, lũy kế trong 2 tháng đầu năm đạt trên 531 tỷ đồng. Đối với khách quốc tế, trong tháng 2 tăng so với tháng trước, lượng khách đến Bình Thuận chủ yếu là chuyên gia và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam với lượng khách đến đạt 5.200 lượt, tăng 7,57% so với tháng 1, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt trên 10.000 lượt khách quốc tế.
Có được kết quả trên là do tỉnh Bình Thuận và các địa phương cùng ngành chức năng đã có những giải pháp hiệu quả đối với ngành du lịch, nhất là ứng phó với đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Bình Thuận đã có hơn 200 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch; đa số là các cơ sở lưu trú từ 3 - 5 sao và tập trung ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi.
Bên cạnh duy trì tốt điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng”, du lịch Bình Thuận tiếp tục hấp dẫn du khách thông qua chương trình xúc tiến quảng bá và truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã đặt quyết tâm cao nhất nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực và quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự quyết tâm của toàn ngành du lịch, các hoạt động du lịch đang dần từng bước tái khởi động lại theo lộ trình. Bước đi được tính toán thận trọng theo từng mốc thời điểm rõ ràng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”.
Gần đây nhất, tỉnh Bình Thuận đã triển khai chương trình phục hồi du lịch nội địa đối với các cơ sở đảm bảo theo các quy định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Hướng dẫn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch từ ngày 24/10/2021. Đồng thời đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời các biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo từng cấp độ dịch áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Đến nay, Sở đã phê duyệt kế hoạch đón và phục vụ khách của 52 cơ sở lưu trú du lịch.
Do tác động của dịch COVID-19, các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch ở thị trường quốc tế bị ảnh hưởng. Thay vào đó, ngành đã đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng các chương trình xúc tiến tại chỗ hướng tới thị trường nội địa. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 3 chuyến khảo sát tại các địa phương: Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết và Hàm Thuận Nam để khảo sát, truyền thông những “điểm đến” hấp dẫn, những sản phẩm du lịch mới lạ. Cùng với đó, Sở đã triển khai nghiên cứu thị trường, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nhu cầu, xu hướng đi du lịch trong thời gian tới và xác định thị trường tiềm năng cả trong nước và quốc tế để có chiến lược xúc tiến, quảng bá thu hút du khách….
Bà Nguyễn Lan Ngọc cho biết thêm, cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn mới gắn với triển khai Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XIV) ban hành về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận tập trung tham mưu cho tỉnh hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch Bình Thuận. Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo định hướng tập trung vào các loại hình: Du lịch biển, thể thao, giải trí, du lịch văn hóa... Song song, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch. Tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến để đưa thương hiệu Bình Thuận thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí xét tặng, công nhận danh hiệu “Du lịch xanh” để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch. Mặt khác, hoàn thiện hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh về du lịch. Khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan Nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19…/..