50 triệu USD cho quá trình chuyển tiếp năng lượng ở Đông Nam Á
Thứ tư, 25/11/2020 11:59 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Mục tiêu của liên minh này là để đẩy mạnh quá trình chuyển tiếp năng lượng ở Đông Nam Á, phù hợp với Thỏa thuận Paris, thông qua việc tài trợ cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thông qua một quỹ 50 triệu USD.
|
Năng lượng gió góp phần giảm nhẹ gánh nặng từ giá thành bất ổn liên quan tới nhập khẩu than dành cho nhà máy nhiệt điện. (Ảnh minh họa:tapchitaichinh.vn) |
Các nhà tài trợ công và các quỹ tư nhân, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp, đã khởi xướng Liên minh Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng – ETP (Energy Transition Partnership). Mục tiêu của liên minh này là để đẩy mạnh quá trình chuyển tiếp năng lượng ở Đông Nam Á, phù hợp với Thỏa thuận Paris, thông qua việc tài trợ cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thông qua một quỹ 50 triệu USD. Bước đầu, liên minh đối tác này sẽ tập trung hoạt động ở Indonesia, Việt Nam và Philippines. Thông tin này được Cơ quan Phát triển Pháp cho biết hôm (23/11)
Tại Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng ASEAN, các nhà tài trợ công và các quỹ tư nhân đã công bố khởi động một liên minh đối tác mới vì sự chuyển tiếp năng lượng ở khu vực Đông Nam Á (ETP - Energy Transition Partnership). ETP bước vào giai đoạn triển khai đầu tiên với thời hạn 5 năm dưới sự giám sát của Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên hiệp quốc (UNOPS), là cơ quan sẽ đảm nhiệm vai trò thư ký của sáng kiến này.
Liên minh đối tác này nhằm mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển tiếp năng lượng bền vững ở Đông Nam Á phù hợp với Thỏa thuận Paris, bước đầu thông qua tập trung hoạt động ở Indonesia, Việt Nam và Philippines, những nước có mức tiêu thụ than lớn.
Một nhóm cố vấn kỹ thuật sẽ được hình thành trong những tháng tới trong đó có sự kết hợp giữa năng lực tư vấn quốc tế và trong nữa và đại diện của các quốc gia để có sự cố vấn khuyến nghị cho liên minh đối tác này trong hoạt động kỹ thuật. Liên minh này đã được khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh One Planet vào năm 2018 bởi Quỹ đầu tư cho trẻ em – CIFF (Children's Investment Fund Foundation), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Bộ Môi trường, bảo tồn thiên nhiên và an ninh năng lượng nguyên tử Liên bang Đức (BMU) và tổ chức High Tide Foundation cũng như một số đối tác khác như Chính phủ Canada, Bộ Thương mại, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh (BEIS), tổ chức Bloomberg và các đối tác khác. Kể từ đó, các đối tác đã triển khai những nỗ lực đáng kể để thiết kế liên minh đối tác độc đáo này, với sự kết hợp của các khu vực công và tư, như được nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu năm 2019 do Ban Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của khu vực Đông Nam Á đã tạo ra những cơ hội mới nhưng lại với mức chi phí cao: tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng làm sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tăng mạnh, ô nhiễm môi trường dai dẳng, những rủi ro cục bộ về vệ sinh và sự dễ tổn thương ngày càng tăng do các hiện tượng khí hậu.
Việt Nam đặc biệt bị đe dọa bởi những vấn đề này do mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần trong thời gian từ nay tới 2030, với sản lượng nhiệt điện than chiếm phần vượt trội trong hỗn hợp năng lượng quốc gia dù có những nỗ lực đáng kể để phát triển năng lượng tái tạo. ETP mong muốn thiết lập những mối quan hệ đối tác với các Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định nhằm đưa tiềm năng chưa được khai thác về năng lượng tái tạo vào trong hỗn hợp năng lượng của vùng Đông Nam Á, nhằm đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực. ETP cũng sẽ nỗ lực khuyến khích phát huy tầm quan trọng của các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và những lợi thế kinh tế xã hội gắn với sự chuyển tiếp năng lượng bền vững và công bằng ở Đông Nam Á.
Với sự hỗ trợ tài chính cho các dự án hỗ trợ kỹ thuật được xây dựng kèm theo các chương trình đang triển khai trong khu vực, ETP sẽ cung cấp những công cụ hỗ trợ và cải thiện sự điều phối, đối thoại và kiến thức nhằm tăng cường khả năng chỉ đạo và tài trợ cho sự chuyển tiếp năng lượng trong khu vực, nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris và những mục tiêu phát triển bền vững.
Liên minh đối tác nhiều nhà tài trợ này vẫn đang trong quá trình mở rộng và các thành viên của ETP mời các nhà tài trợ có quan tâm tham gia vào sáng kiến này để có một tác động lớn hơn thông qua đẩy mạnh chuyển tiếp năng lượng tại khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Liên bang Đức Svenja Schulze, đã nhận xét về sự khởi động ETP: “Liên minh Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng ở Đông Nam Á kết hợp giữa các Chính phủ và các tổ chức cùng hỗ trợ sự chuyển tiếp năng lượng trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, mỗi bên lại đóng góp giá trị riêng của mình cho Liên minh. Phương thức tiếp cận mang tính cách tân của liên minh này có thể tạo ra những khác biệt thực sự. Các khoản tài trợ và các dự án của những thành viên của ETP cùng chia sẻ những mục tiêu chung và qua đó tạo được tác động lớn nhất. Chúng tôi cũng đánh giá cao vai trò của ETP như một diễn đàn trao đổi và điều phối với các bên liên quan. Vì những lý do này, chúng tôi đã hỗ trợ cho Liên minh Đối tác này ngay từ bước đầu”.
Ông Rémi Rioux, Tổng Giám đốc của AFD tuyên bố: “Tập đoàn AFD tự hào là một thành viên của ETP, liên minh tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa các nhà tài trợ công và các tổ chức tư nhân nhằm thúc đẩy quá trình chuyển tiếp năng lượng ở Đông Nam Á, phù hợp với Thỏa thuận Paris. Thông qua sự tập hợp nhiều bên khác nhau mong muốn cùng hỗ trợ cho Indonesia, Việt Nam và Philippines để phát triển năng lượng tái tạo, liên minh này tạo động lực lớn cho những sáng kiếp hợp tác để tạo thuận lợi cho hoạt động tài chính xanh”.
Bà Kate Hampton, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư cho Trẻ em (CIFF) khẳng định: “Các nước châu Á đã cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính xuống 0 trong thời gian từ nay tới giữa thế kỷ, và đã khởi động lại những nỗ lực toàn cầu về khí hậu. Liên minh Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng ở Đông Nam Á là một sáng kiến đầy tham vọng vào một thời điểm then chốt. Sáng kiến này sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo chính sách ở Việt Nam, Indonesia và Philippines những dữ liệu và năng lực tư vấn cần thiết cho giai đoạn đầu tiên hướng đến sự cân bằng các bon: chuyển tiếp sang năng lượng sạch. Sự chuyển tiếp này sẽ tạo ra việc làm xanh, điện với mức giá thấp hơn và không khí sạch hơn ở Đông Nam Á. Quỹ CIFF rất vui mừng được là thành viên của ETP và cho rằng liên minh đối tác này sẽ góp phần vào sự thịnh vượng và an sinh xã hội của các quốc gia Đông Nam Á trong những thập kỷ tới”.
Samina Kadwani, Giám đốc UNOPS khu vực Thái Lan, Indonesia và Thái Bình Dương tuyên bố: “Tôi xin chúc mừng các nhà tài trợ của Liên minh Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng đã thiết lập được một mối quan hệ đối tác năng động hướng tới tương lai nhằm hỗ trợ cho Đông Nam Á trong những nỗ lực đạt các mục tiêu về khí hậu và phát triển bền vững. UNOPS tự hào được tham gia Liên minh Đối tác với tư cách là cơ quan quản lý vốn và giữ vai trò thư ký nhằm bảo đảm việc đạt được các mục tiêu của Liên minh này”.
Mạnh Hùng