|
Khai mạc Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt’’. |
Ngày 26/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề “Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt’’.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử. Báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 28,5% so với năm trước. Thống kê cho thấy, Việt Nam thuộc top đầu thế giới và khu vực với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong top 10 của thế giới; quy mô thương mại điện tử 20,5 tỷ USD năm 2023; quy mô kinh tế số 30 tỷ USD, top 3 Đông Nam Á. Dự kiến, thương mại điện tử sẽ đạt 45 tỷ USD năm 2025.
|
Phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn. |
Theo bà Lê Hoàng Oanh, thương mại điện tử xuyên biên giới là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Khảo sát mới đây, 53% số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử, 47% sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp thừa nhận giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử chiếm 10-30%. Bên cạnh đó, thị trường phổ biến ứng dụng thương mại điện tử cho xuất khẩu gồm: Hàn Quốc chiếm 45%, Nhật Bản chiếm 40%, Trung Quốc chiếm 38%. Số lượng trung bình nhà mua hàng sản phẩm Việt Nam đã tăng 55%; số lượng sản phẩm của Việt Nam có mặt trên nền tảng tăng 24%.
Ông Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort cũng nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng Việt qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Hiện, các doanh nghiệp TMĐT lớn của Hoa Kỳ, Trung Quốc… đã có mặt ở Việt Nam là lợi thế lớn với doanh nghiệp Việt. Đây cũng là lợi thế để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn thông qua TMĐT xuyên biên giới. Không chỉ xuất khẩu hàng hóa, khi những doanh nghiệp lớn vào Việt Nam đầu tư sẽ cần sự hợp tác với các doanh nghiệp Việt để mở rộng và phát triển mạng lưới hậu cần loigistics trong chuỗi cung ứng.
|
Các đơn vị ký MOU cam kết đồng hành thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế nhờ thương mại điện tử. |
Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới như hạn chế hiểu biết về quy định, pháp luật thị trường, thông tin thị trường sở tại, rào cản ngôn ngữ, thuế quan, logistics, thanh toán…
Ông Liu Liang - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vân Nam, Trung Quốc cho biết, Việt Nam đã có sự phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo số liệu năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 25%. Cùng đó là một lượng lớn người tiêu dùng trẻ, nhu cầu mua sắm trực tuyến quốc tế mạnh mẽ đã tạo mối quan hệ bổ trợ tự nhiên với thị trường Trung Quốc.
Theo ông Liu Liang, Vân Nam không chỉ là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, mà còn là điểm nút quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử giữa hai nước. Để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh hơn.
|
Các đại biểu thăm quan gian hàng triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn. |
Về hướng phát triển TMĐT của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Vân Nam cũng cho biết, trọng tâm TMĐT xuyên biên giới là logistics, vận chuyển chậm chạp thì không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý logistics và khai báo hải quan. Cùng đó phải đào tạo nhân lực, tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiểu khách hàng. Trong vòng 24h phải phân tích nhu cầu và mong muốn của khách hàng, hiểu được khách hàng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian nhanh nhất.
Sau phiên Tọa đàm trao đổi về cơ hội phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cho các sản phẩm Việt, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái và một số doanh nghiệp đã ký MOU cam kết đồng hành thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế nhờ thương mại điện tử.
Bên lề Diễn đàn còn có hơn 50 gian hàng tham gia triển lãm, trong đó, nhiều gian hàng đến từ các nước khu vực châu Á và gian hàng của các doanh nghiệp trong nước. Triển lãm tạo cơ hội kết nối giao thương, giúp doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài với nhà cung cấp quốc tế cũng như đối tác logistics, nền tảng thương mại điện tử và doanh nghiệp trong ngành./..