70 năm xây dựng và phát triển Vĩnh Phúc: Kinh tế tăng trưởng mạnh

Thứ hai, 24/02/2020 16:28
(ĐCSVN) - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Phúc (1950-2020), quy mô kinh tế của tỉnh không ngừng được mở rộng, đồng thời, gặt hái được nhiều kết quả trên các lĩnh vực: thu hút đầu tư nước ngoài, thu ngân sách, dịch vụ du lịch,...
 Hiện nay, kinh tế Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu khắp các lĩnh vực
(Ảnh minh họa: BT)

Ngay tại thời điểm tái lập năm 1997, căn cứ tình hình thực tiễn, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, phát triển du lịch làm mũi nhọn; coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Từ đó xác định bước đi thích hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, năm đầu tái lập, thu ngân sách đạt hơn 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người bằng 48% bình quân chung cả nước,... Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số ít tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp, tổng thu ngân sách nội địa cao. Đồng thời là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Cụ thể, từ khi tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,9%/năm.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% và tương đương tăng 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 102,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự tăng nhanh tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do chủ trương tập trung thu hút phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ nên tỷ trọng khu vực nhà nước giảm; khu vực ngoài nhà nước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả. Từ năm 1997 đến năm 2019, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 48,27% xuống còn 7,37%; công nghiệp-xây dựng từ 13,98% lên 62,41%; dịch vụ từ 37,75% xuống còn 30,22%.

Trong công tác thu, chi ngân sách, từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc là một trong số những tỉnh, thành có số thu cao trong cả nước và có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 1997, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 114 tỷ đồng; đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Đến năm 2014 đạt “mốc son” mới, vượt 20.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019, tổng thu ngân sách 35.025 tỷ đồng (đạt 126%), trong đó thu nội địa 30.962 tỷ đồng (đạt 128%). Với kết quả trên, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có số thu ngân sách nội địa đạt tỷ lệ cao so với cả nước, là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương nhiều năm qua.

Cùng với các công tác trên, tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Hầu hết các làng nghề phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: Làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Tuy sản xuất nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng loại hình sản xuất quy mô vừa và lớn dần được hình thành, kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa, đặc biệt là trang trại chăn nuôi, thủy sản bắt đầu phát triển. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Cùng với đó, trên lĩnh vực dịch vụ, du lịch, Vĩnh Phúc luôn chú trọng khai thác lợi thế của tỉnh về các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hoá,...Hạ tầng phục vụ du lịch với các tuyến đường giao thông kết nối các khu du lịch, các khách sạn tiêu chuẩn, các khu nghỉ dưỡng đã và đang được tập trung đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, công tác quảng bá du lịch Vĩnh Phúc tiếp tục được thực hiện thông qua nhiều kênh thông tin, các hội chợ, hội thảo,… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ quốc gia.

Hoạt động bưu chính - viễn thông của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, chất lượng ngày càng tốt đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ viễn thông, internet, thuê kênh… Mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, thôn. Đến nay, mạng thông tin di động 3G đã phủ 100% địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Di động mạng 4G được phủ sóng tại thành phố Vĩnh Yên và trung tâm các huyện, thành phố trong tỉnh.

Với chặng đường dài phát triển, các dịch vụ tài chính, tín dụng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Công tác huy động vốn được thực hiện tốt. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách nhằm đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.

Phương Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực