ADB đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn

Thứ tư, 16/09/2020 18:11
(ĐCSVN) - Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.
Ảnh minh họa: tapchitaichinh.vn

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (ADB) vừa được công bố hôm 15/9, sau giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt được tình hình COVID-19 trong 6 tháng đầu năm 2020, COVID-19 đã xuất hiện vào tháng 7. Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 được điều chỉnh giảm so với dự báo trong báo cáo ADO 2020 vào tháng 4, chủ yếu phản ánh tình trạng giảm tiêu dùng nội địa và nhu cầu bên ngoài so với dự báo trước đây. Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ phục hồi vào năm 2021, nhờ đẩy nhanh đầu tư công, tăng cường thương mại với Liên minh châu Âu và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), và sự chuyển dịch của các chuỗi giá trị toàn cầu sang Việt Nam. Lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm nay hoặc năm sau, giống như dự báo trước đây.

Tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1 năm 2020 xuống 0,4% trong quý 2, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011. Về phía cung, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56,0%, làm cho mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong năm nay. Du lịch nội địa bắt đầu phục hồi vào tháng 5 và tháng 6, nhưng lại bị chững lại do COVID-19 quay trở lại vào tháng 7.

Tăng trưởng trong khu vực nông nghiệp cũng giảm một nửa, từ 2,3% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 1,2% trong cùng kỳ năm nay do nhu cầu xuất khẩu giảm, nhưng cũng do phải chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập niên qua, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, và ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 0,8%, lâm nghiệp tăng 2,1% và thuỷ sản tăng 2,4%.

Tăng trưởng trong ngành công nghiệp và xây dựng giảm mạnh từ 8,9% cùng kỳ năm trước xuống còn 3,0%. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu giảm từ 11,2% xuống 5,0%, trong khi sản lượng các ngành khai thác khoáng sản giảm 5,4%. Việc hạn chế đi lại và lượng cầu yếu đã kéo tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm từ 7,9% trong sáu tháng đầu năm 2019 xuống 4,5% trong cùng kỳ năm nay. Chỉ số nhà quản lý mua hàng, với giá trị dưới 50 dự báo sự thu hẹp sản xuất trong tương lai, giảm thêm từ 47,6 trong tháng 7 xuống 45,7 trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 5. Sản lượng trong tháng 8 và các đơn đặt hàng mới thậm chí còn giảm nhiều hơn so với tháng 7.

Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn tích cực (Ảnh minh họa:tapchitaichinh.vn) 

Tăng trưởng chậm lại được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong sáu tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong sáu tháng đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 0,02% trong tám tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tiêu dùng công cộng tăng lên do chi tiêu của chính phủ, nâng mức tăng trưởng từ 5,6% trong sáu tháng đầu năm 2019 lên 6,1% trong cùng kỳ năm nay. Tăng trưởng suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người lao động mất việc làm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, gần 34.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 71,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời kỳ, 7,8 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu nhập cá nhân bình quân giảm 5,1% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Hoạt động đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Tăng trưởng tổng mức đầu tư nội địa giảm từ 7,1% trong sáu tháng đầu năm 2019 xuống 1,9% trong cùng kỳ năm nay do đầu tư nước ngoài thu hẹp. Từ tháng 1 đến tháng 8, số vốn đăng ký đầu tư nước ngoài là 19,5 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước (Xem biểu đồ 3.4.44). Trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 30,4%, ước đạt 11,0 tỷ USD.

Do nền kinh tế tăng trưởng yếu, lạm phát bình quân giữ ở mức 4,2% trong sáu tháng đầu năm, mức bình quân thấp nhất được ghi nhận kể từ đầu năm. Tính từ đầu năm cho đến tháng 8, lạm phát bình quân tiếp tục giảm xuống 4,0% .

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất chính sách hai lần vào tháng 3 và tháng 5, tổng cộng giảm 100–150 điểm cơ bản. Trần lãi suất huy động đối với đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 60–75 điểm cơ bản và trần lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 100 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, miễn lãi cho các khoản vay hiện hữuvà cấp các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại từ 13,4% vào thời điểm cuối tháng 6 năm 2019 xuống ước còn 9,0% trong cùng kỳ năm nay.

Báo cáo cho biết, thương mại quốc tế của Việt Nam đã giảm 0,3% trong 8 tháng đầu năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 1,6% nhưng nhập khẩu lại giảm 2,2%. Thặng dư thương mại trong giai đoạn từ tháng 1 - tháng 8 ước đạt 11,9 tỷ USD, cao hơn gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 19,0% và sang Trung Quốc tăng 13,0%, bù đắp cho phần giảm xuất khẩu sang Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thặng dư thương mại cũng góp phần bù đắp lượng kiều hối giảm 12,0%, đưa thặng dư tài khoản vãng lai tăng từ mức tương đương 1,8% GDP của cùng kỳ năm trước lên 2,5%.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp trong sáu tháng đầu năm 2020 sụt giảm, kéo thặng dư tài khoản tài chính xuống còn tương đương 1,4% GDP. Tính đến cuối tháng 6 năm 2020, cán cân thanh toán tổng thể có thặng dư tương đương 4,6% GDP (Xem biểu đồ 3.4.47). Dự trữ ngoại hối tại thời điểm cuối tháng 6 ước tính đủ để trang trải 3,2 tháng nhập khẩu, giảm nhẹ so với mức 3,6 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2019.

Ngoại trừ một đợt biến động ngắn vào đầu tháng 4, giá trị đồng Việt Nam trong năm nay duy trì ổn định do đồng đô la Mỹ nhìn chung suy yếu và thặng dư thương mại của Việt Nam mở rộng do nhu cầu nhập khẩu trong nước thấp hơn.

Cán cân tài khoá đã đổi chiều từ thặng dư ở mức tương đương 3,2% GDP trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống thâm hụt ước tính vào khoảng 2,4% GDP trong 6 tháng đầu năm 2020. Thu ngân sách giảm 10,3%, trong khi chi tiêu tăng 9,5%, chủ yếu tập trung vào chi cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập. Gói ngân sách để ứng phó với đại dịch tương đương khoảng 4,0% GDP được triển khai từ tháng Tư. Đến tháng 7, 163.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng đã nộp đơn xin giãn thuế. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với tổng số ước tính khoảng 700.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh trong toàn nền kinh tế.

Suy thoái toàn cầu và các điều kiện trong nước yếu đi, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp xấu đi và tiêu dùng suy giảm đáng kể, đã gây tổn hại cho nền kinh tế nặng nề hơn dự kiến. Triển vọng kinh tế còn bị đe dọa bởi sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới kể từ cuối tháng 7 năm 2020. Do đó, dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh giảm từ 4,8% trong Báo cáoADO 2020 và 4,1% trong Báo cáo ADO bổ sungvào tháng 6 xuống 1,8% trong Báo cáo ADO cập nhật này.

Tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp. Mặc dù doanh số bán lẻ có phục hồi trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh đầu tư công trong sáu tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu này. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế, và các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn.

Từ phía cung, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn trong năm 2020 do thời tiết khắc nghiệt và sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu bên ngoài và nội địa đều yếu. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ bị kìm hãm trong năm nay do xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại và lượng cầu nội địa giảm do mất thu nhập và việc làm, mặc dù sẽ tăng trở lại trong năm 2021. Điện thoại và linh kiện điện thoại cùng với hàng điện tử vẫn là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, lần lượt chiếm 18% và 16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập giảm và hạn chế di chuyển cũng sẽ cản trở sự phục hồi của ngành du lịch nội địa và quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19 

Lạm phát có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản tăng do đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấptrong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0% của ngân hàng trung ương, do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài (Xem biểu đồ 3.4.49).

Hoạt động cho vay sẽ vẫn tiếp tục yếu mặc dù ngân hàng trung ương đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Về phần mình, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của doanh nghiệp, do lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay. Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, tín dụng ngân hàng được dự báo chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14,0% của ngân hàng trung ương.

Tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á dự đoán rằng 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả.

Với số thu thuế giảm do thu nhập và thu từ hoạt độngn xuất khẩu đều giảm, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội tăng cao và khả năng bổ sung gói hỗ trợ ngân sách trong năm 2020, thâm hụt tài khóa dự báo sẽ tăng lên tương đương 6,0% GDP vào năm 2020, và sẽ giảm xuống 3,5% vào năm 2021. Giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2020 còn chậm, nhưng sẽ tăng tiến độ trong 6 tháng cuối năm, giúp nền kinh tế tiếp tục duy trì.

Thặng dư tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm xuống mức tương đương 1,0% GDP vào năm 2020 và phục hồi nhẹ, lên mức 1,5% vào năm 2021. Mặc dù xuất khẩu sẽ giảm trong những tháng cuối năm, nhập khẩu dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn nữa, giữ cán cân thương mại duy trì thặng dư. Tuy nhiên, mức thặng dư này không phải là một chỉ báo về sức khỏe kinh tế, vì nó phát sinh từ việc sản lượng và nhu cầu đều suy yếu. Trong khi đó, áp lực làm cho tài khoản vãng lai giảm khả năng lớn nhất đến từ nguồn kiều hối, được dự báo sẽ giảm 18,0% trong năm 2020.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm, và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, nhận định: “Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh”.

Các chuyên gia ADB phân tích nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn. Đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Báo cáo cũng nhận định những mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực