Giải quyết ly hôn khi vợ, chồng mất liên lạc?

Thứ tư, 15/05/2024 10:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến nội dung: chồng hoặc vợ trước đó đã bỏ đi biệt tích, mất liên lạc nhiều năm, vậy bây giờ vợ hoặc chồng muốn ly hôn thì phải làm thế nào và thủ tục ra sao?
Ảnh minh họa (Nguồn: Văn phòng công chứng Nguyễn Huệ) 

Liên quan đến nội dung trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích như sau:

Căn cứ theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như vậy, theo quy định trên thì bên yêu cầu ly hôn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn khi có căn cứ về việc một trong hai bên có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Đối với việc vợ hoặc chồng đã bỏ đi khỏi nơi cư trú mất liên lạc, cần chia thành “02 trường hợp”:

Nếu vợ hoặc chồng vẫn liên hệ với nhau, biết được địa chỉ thường trú của nhau, đồng ý ly hôn, thì các bên chuẩn bị hồ sơ đề nghị ly hôn thuận tình.

Trường hợp thứ nhất: Nếu một trong hai người không đồng ý ly hôn thuận tình, nhưng biết được địa chỉ thường trú, tạm trú của một trong các bên hoặc người thân, bạn bè trong gia đình vẫn biết rõ địa chỉ, tin tức của người vợ hoặc người chồng hiện nay đang ở đâu? làm gì? thì có thể nộp đơn ly hôn tại Tòa án Nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi vợ hoặc chồng thường trú, tạm trú để yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương.

Trường hợp thứ hai: Kể từ thời điểm vợ hoặc chồng bỏ đi khỏi nơi cư trú nhiều năm nay, nếu gia đình, bạn bè không còn bất kỳ thông tin nào của vợ hoặc chồng. Khi đó, một trong hai bên có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết theo quy định của Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Điều 68. Tuyên bố mất tích

1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Vợ hoặc chồng đã bỏ đi nhiều năm nếu từ đủ 02 năm trở lên không có tin tức, xác thực về việc vợ hoặc chồng còn sống hay đã chết thì đủ điều kiện để yêu cầu tuyên bố một người mất tích, khi đó đương sự là vợ hoặc chồng yêu cầu Tòa án tuyên bố người kia mất tích.

Việc tuyên bố một người mất tích được thực hiện khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự như loa đài, báo chí, trên truyền hình,... nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc vợ hoặc chồng còn sống hay đã chết.

Lúc này, bên yêu cầu ly hôn sẽ được Tòa án xem xét giải quyết vấn đề ly hôn mà không cần sự có mặt của bên kia.

Thủ tục tuyên bố người mất tích:

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV) 

Theo quy định tại Điều 387, Điều 388 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.

- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.

- Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.

- Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

- Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích, trường hợp có yêu cầu áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, tòa án còn phải áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực