AEC là sự hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 625 triệu người, chiếm 9% dân số thế giới, tổng sản lượng (GDP) khoảng 2.400 tỷ USD (2014).
Mặc dù đạt được một số thành tựu đáng kể và Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập, song ASEAN vẫn còn chặng đường dài tới đích hình thành một thị trường và khu vực sản xuất thống nhất. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ASSEAN đang phải đối diện với một số khó khăn, thách thức sau:
Cần nhanh chóng nắm bắt thuận lợi, hạn chế thách thức mà AEC mang lại (Ảnh: PV)
Thứ nhất, ASEAN cần phải kiên quyết khắc phục xóa bỏ dần chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Đây là cách duy nhất hướng tới cộng đồng ASEAN bền vững trong tương lai. ASEAN nhận thức rằng không thể liên kết kinh tế có hiệu quả nếu không thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Chỉ có thành công trong thu hẹp khoảng cách phát triển ASEAN mới có thể trở thành một khối kinh tế vững mạnh, nâng cao vị thế, vai trò trong khu vực và thế giới, góp phần bảo đảm an ninh, ổn định cho từng nền kinh tế thành viên nói riêng và cả hiệp hội nói chung. Chênh lệch phát triển trong ASEAN chủ yếu tập trung ở 4 lĩnh vực chủ yếu (4-I), gồm cơ sở hạ tầng (Infrastructure); thu nhập (Income); liên kết (Integration) và thể chế (Institution). Chênh lệch về trình độ phát triển làm cho ASEAN khó khăn hơn trong các nỗ lực tập thể, tính khả thi của các chính sách chung duy nhất bị hạn chế. Bởi vậy, việc giảm chênh lệch và thu hẹp khoảng cách phát triển tạo điều kiện thuận lợi để liên kết khu vực. Việc xóa bỏ bất bình đẳng trong thu nhập giúp tạo thêm niềm tin của các nước Campuchia - Lào - Myanma - Việt Nam (CLMV) để đối mặt với những thách thức phía trước. Khắc phục chênh lệch phát triển giữa các thành viên cần đạt tới mức mà mỗi nước nhận thấy được lợi ích có được khi tham gia vào hợp tác kết kinh tế nội khối. ASEAN cần phải làm rất nhiều việc để xóa bỏ các rào cản về thương mại hàng hóa, luân chuyển vốn, chia sẻ thông tin và lao động chất lượng cao. Những biện pháp này rất cần thiết đối với các nhà đầu tư khi họ muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tới thị trường ASEAN. Không chỉ chênh lệch về trình độ phát triển, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của các nước ASEAN cũng có sự khác biệt rất lớn. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014 - 2015, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Singapore dẫn đầu khu vực với vị trí thứ 2/144, trong khi Việt Nam xếp vị trí 68; Malaysia (20); Thái Lan (31); Indonesia (34) và Philippin (52).
Vì vậy, để duy trì nâng cao năng lực cạnh tranh của mình (mà cho đến nay vẫn chưa thể bằng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản), ASEAN cần quyết tâm hướng tới liên kết. Ngoài ra, còn rất nhiều các vấn đề chính trị xã hội nghiêm trọng khác vẫn đang hiện diện trong bản thân các nước ASEAN và không thể giải quyết ngay được trong thời gian ngắn. Vấn đề khác biệt về định lượng (GNP, GDP bình quân đầu người…) có thể khắc phục theo thời gian, nhưng những khác biệt về chất (thể chế, chính sách…) thì không dễ dàng.
Thứ hai, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “hướng về phương Nam” (going south). Chiến lược này của Trung Quốc thúc đẩy xu hướng ly tâm trong khu vực. Trong khi, cơ cấu sản xuất của ASEAN, từ các nền kinh tế phát triển (Singapore, Thái Lan) tới các nền kinh tế kém phát triển hơn (Việt Nam, Philippin) nhìn chung, đều tương tự như cơ cấu sản xuất của Trung Quốc, vì vậy, sẽ dễ dẫn đến ly tâm và cạnh tranh trong nội bộ khối. Một ASEAN mạnh sẽ là sự bảo đảm tối ưu nhất để cho toàn khối cũng như mỗi thành viên sẽ thu được nhiều lợi nhuận trong quá trình hợp tác để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt là cạnh tranh với Trung Quốc. Về dài hạn, mỗi quốc gia trong ASEAN sẽ thu được nhiều lợi nhất từ sự liên kết trong phân chia lao động khu vực. ASEAN sẽ tìm kiếm được cơ hội để hình thành hiệp định phân chia lao động trong khu vực dựa trên các nguyên tắc của chuỗi cung cấp sản phẩm. Đây là cách tốt nhất để tạo lập xu hướng hướng tới liên kết kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm ASEAN trên thị trường khu vực và quốc tế. Điều này sẽ tạo ra sự thắng thế tương đối của ASEAN trước các đối tác bên ngoài khu vực và tạo ra sự nhất trí chung trong khu vực.
Không những có cơ cấu sản xuất tương tự như cơ cấu sản xuất của Trung Quốc, ASEAN lại không có tiềm năng đủ mạnh để có thể trở thành trung tâm của sự phát triển tri thức và công nghệ. Nếu như ASEAN không đặt mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ và tri thức thì ASEAN sẽ vẫn tiếp tục đi sau.
Thứ ba, ASEAN không có một nền kinh tế đầu tầu và một đồng tiền mạnh để dẫn dắt khu vực. Không có một quốc gia nào trong ASEAN có đủ khả năng và điều kiện để dẫn dắt quá trình phát triển và liên kết. Trong khi đó, viễn cảnh một "cộng đồng kinh tế Đông Á" lại tỏ ra hấp dẫn hơn AEC do khu vực này có hai nền kinh tế lớn là Nhật Bản và Trung Quốc. Mặc dù Singapore là quốc gia duy nhất trong ASEAN có mức chuẩn thu nhập ngang bằng với các quốc gia phát triển, có trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người/GDP khá cao, song qui mô và sức mạnh của Singapore tương đối nhỏ. Inđônêsia là quốc gia lớn nhất trong ASEAN với 230 triệu dân. Tuy nhiên, trình độ phát triển của Inđônêsia thấp và có lịch sử lâu dài của sự bất ổn về kinh tế, xã hội, chính trị. Malaysia và Thái Lan mặc dù cũng đặt mục tiêu cho mình trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020.
Bên cạnh đó, ASEAN lại thiếu một tổ chức để thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng AEC. Bởi Ban Thư ký được xem là đầu máy dẫn dắt quá trình liên kết kinh tế ASEAN nhưng đầu máy này không đủ nguồn lực và trí tuệ cần có. Điều đáng lo ngại hơn cả là các nguồn lực của Ban Thư ký ASEAN đã không hề thay đổi trong 15 năm (2000 – 2015) cho dù GDP của khu vực đã tăng gấp 4 lần trong cùng kỳ.
Tổng ngân sách hoạt động của Ban Thư ký ASEAN là 16 triệu USD (2013) - quá nhỏ cho một tổ chức có nhiều hoạt động và nhiệm vụ, so với khoảng 4,3 tỷ USD (2012) của Ủy ban Châu Âu (EC). Ủy ban châu Âu có 34.000 nhân viên, trong khi Ban Thư ký ASEAN chỉ có 300 nhân viên (2013). Các cán bộ chuyên nghiệp của Ban Thư ký ASEAN có mức lương trung bình 3.000 USD/tháng, nên cơ quan điều hành ASEAN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển mộ nhân viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm cho các bộ phận quản lý.
Thứ tư, ASEAN là một thị trường 'cộng' chứ không hoàn toàn 'hoà nhập' của tất cả thị trường các nước thành viên. Chính sách kinh tế của ASEAN không công khai, phát triển ở nhiều cấp độ, lại chủ yếu hướng ra bên ngoài chứ không phải vào thị trường nội khối. Vì vậy, khó có thể thành lập một liên minh kinh tế thống nhất và bền chặt trong khối. Thực tế, AEC mới chỉ vượt qua được mức Liên minh thuế quan và có một số yếu tố của thị trường chung; ASEAN cũng chưa có chính sách kinh tế chung và chưa có các cơ quan liên quốc gia như Liên minh Châu Âu (EU). Vì vậy, khái niệm “cộng đồng kinh tế” (Economic Community) có thể tạo ra sự nhầm lẫn hay ảo tưởng như một liên minh kinh tế nhưng thực tế không phải. Hơn nữa, trình độ phát triển khác nhau giữa nhóm nước phát triển hơn (Bruney, Singapore, Malaysia, Thái Lan.. ) với nhóm nước kém phát triển hơn (CLMV) sẽ là rào cản lớn trong quá trình hội nhập và hạn chế cơ hội thu nhận lợi ích từ hội nhập, dẫn đến mất ổn định nội khối. Đây là thách thức không nhỏ đối với việc thành lập AEC đòi hỏi các nước cần nỗ lực để xây dựng liên minh kinh tế khu vực.
Thứ năm, ASEAN hiện đang phải đối diện với sự can thiệp mạnh của 2 cường quốc lớn thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc với chiến lược mở rộng sự tham gia vào kinh tế và chính trị khu vực và của Mỹ với chiến lược thúc đẩy chính sách tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương làm cho ASEAN khó có thể duy trì thái độ “trung lập” khi đối phó với cả 2 quốc gia. Thêm vào đó, một số thành viên quốc gia ASEAN (Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia..) đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Điều này có thể gián tiếp gây ra sự bất đồng trong nội bộ khối, dễ dẫn đến phân hóa trong nội bộ khối, làm cản trở tiến trình liên kết kinh tế ASEAN.
Tóm lại, liên kết kinh tế ASEAN được coi là trụ cột chính trong Cộng đồng ASEAN, là yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế khu vực. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình này, ASEAN cần tham khảo thêm tiến trình liên kết của các tổ chức khu vực, đặc biệt là mô hình liên kết EU. Mô hình liên kết EU và liên kết kinh tế ASEAN có những khác biệt. Giữa EU và ASEAN có những nền tảng khác nhau căn bản về văn hóa, chính trị và lịch sử. Khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước thành viên ASEAN rất lớn, không được đồng đều như EU. Sự đa dạng tôn giáo của ASEAN (bao gồm Hồi giáo, Phật giáo, Kyto giáo) cũng khác với EU (chủ yếu theo Thiên chúa giáo). Từ kinh nghiệm EU và thực tiễn ASEAN cần có sáng tạo đưa ra hướng đi hợp lý cho liên kết kinh tế ASEAN (AEC). Thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN sẽ giúp các nước thành viên cạnh tranh với các nền kinh tế khổng lồ láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ. Sự hội nhập sâu hơn của ASEAN rất cần thiết để tối đa hóa sức mạnh hợp lực nội khối và giữ cho khu vực này gắn kết hơn với các nhà đầu tư và kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế tại khu vực mới đang chỉ ở giai đoạn đầu.
Cùng với những liên kết song phương đang hình thành giữa từng nước ASEAN với các đối tác bên ngoài, các mối liên kết giữa ASEAN với tư cách là một khối với các đối tác bên ngoài ASEAN có thể sẽ là một nhân tố làm yếu đi sự thống nhất của ASEAN và không loại trừ nguy cơ sẽ "hòa tan" trong một thực thể Đông Á.
Bước vào thế kỷ 21, ASEAN sẽ không dừng lại ở mức độ hợp tác cùng nhau thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế như hiện tại mà sẽ tiến lên hội nhập kinh tế sâu sắc hơn, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn để thực hiện một khu vực kinh tế ổn định, hoà bình và thịnh vượng. ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng ở khu vực, là đối tác không thể thiếu của các nước, các tổ chức lớn trên thế giới (ASEAN nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới).
PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình