An Giang trồng mới 500 ha cây ăn trái

Thứ bảy, 09/11/2019 20:28
(ĐCSVN)- Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh này đã trồng mới khoảng 500 ha cây lâu năm, chủ yếu là cây ăn trái.

 

An Giang đã đẩy mạnh phát triển vườn trái cây theo mô hình nông hộ
nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh này (Ảnh: K.V)


Được biết, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh An Giang hiện đạt 17.700 ha, nhóm cây ăn trái là 15.425 ha (tăng 577ha so cùng kỳ 2018), chiếm 87,22% diện tích. Loại cây ăn trái có diện tích tăng mạnh nhất là xoài (đạt 10.737ha, tăng 540ha), trong đó 80% là các giống xoài chất lượng như: Đài Loan, cát Hòa Lộc.

Những loại khác cũng có diện tích tăng và thị trường tốt là: chuối 1.467ha (tăng 63ha, riêng chuối cấy mô tăng 70ha), mít 259ha (tăng 34ha), nhãn 294ha (tăng 51ha), cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.376ha (tăng 121ha)…

Hưởng ứng phong trào “Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, những năm qua, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh phát triển vườn trái cây theo mô hình nông hộ nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, diện tích trồng cây ăn trái tại các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên đã và đang tăng dần, với các loại cây như: xoài, chuối, nhãn và các loại cây có múi (bưởi, cam, chanh…). Đáp ứng thực tế sản xuất của nông dân và kiến nghị bổ sung quy hoạch cây ăn quả ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Điều chỉnh quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, tổng diện tích trồng cây ăn quả đến năm 2020 sẽ đạt trên 21.580 ha.

Ngoài việc duy trì diện tích đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, An Giang xác định sẽ phát triển các sản phẩm chế biến từ các loại trái cây để gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các nhà máy chế biến, sơ chế tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ; ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tạo thương hiệu cho sản phẩm trái cây đặc sản của địa phương trong tỉnh, kết hợp du lịch sinh thái vườn…/…

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực