Áp thuế giá trị gia tăng với phân bón, nên hay không?

Thứ hai, 02/09/2024 20:44
(ĐCSVN) - Câu chuyện có chuyển phân bón từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng sang diện chịu thuế suất 5% hay không vẫn là vấn đề còn hai luồng quan điểm khác nhau khi sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng.

Thời gian qua, theo phản ánh của doanh nghiệp phân bón trong nước, do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ. Vì vậy, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế 5%.

 Ảnh minh hoạ (Nguồn: KT)

Vấn đề đặt ra là, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không đưa phân bón vào diện chịu thuế thì sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp do không được hoàn thuế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng giá thành phân bón, ảnh hưởng đến người nông dân.

 Dự thảo luật mới nhất trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 29/8 vừa qua đưa hai phương án. Phương án 1, chuyển phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi theo quy định của pháp luật vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Phương án 2, giữ như quy định hiện hành, tức là phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.

Lo ngại tăng giá phân bón, ảnh hưởng đến nông dân

 Nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã đề nghị chọn phương án không áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) nhìn nhận, việc không đánh thuế giá trị gia tăng với phân bón có thể ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp, nhưng áp thuế 5% thì sẽ ảnh hưởng đến bà con nông dân. “Hiện nay, nhiều gia đình vẫn bỏ ruộng vì thu nhập thấp, nên thời điểm này chưa nên đánh thuế phân bón”, đại biểu nêu quan điểm.

Về vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phân tích: Nếu giữ quy định của luật hiện hành, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá sản phẩm, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu lo ngại sẽ làm tăng giá phân bón, tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống của người nông dân.

Báo cáo về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cũng cho biết, nếu thực hiện theo phương án được Chính phủ đề xuất, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ giảm được giá bán. "Tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh theo luật, vận hành theo kinh tế thị trường, nên khó có thể bảo đảm việc này có thể diễn ra được hay không, Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp làm điều này", do đó, đại biểu Dương Khắc Mai chọn phương án giữ như quy định hiện hành, đưa phân bón quay trở lại nhóm các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Cũng tán thành giữ nguyên quy định hiện hành, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, nên lập luận cho rằng “nếu đánh thuế 5% để giảm giá bán” là không thuyết phục. Mặt khác, giữa giá thành và giá bán là hoàn toàn khác nhau. Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập với kinh tế thế giới, giá bán phải theo giá quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông)  

Đại biểu dẫn lại số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2015-2022, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ khoảng 1.500 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng đầu vào. Nếu áp dụng thuế 5% với phân bón, thì thuế giá trị gia tăng đầu ra khoảng 5.700 tỷ đồng, sau khi bù trừ thuế đầu vào khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách sẽ thu thêm khoảng 4.200 tỷ đồng.

Như vậy, nếu thu thuế 5% đối với phân bón, thì Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách 4.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ 1.500 tỷ đồng thuế đầu vào, từ đó có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm tương ứng số thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, tăng khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bảo đảm tính công bằng trong thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước.

Đại biểu đề nghị, vẫn phải kiểm tra lại thông tin này, vì một số chuyên gia kinh tế nhận định gần như ngân sách nhà nước không thu được khoản dự kiến nêu trên. Khi báo cáo dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ Tám tới, cơ quan soạn thảo cần đánh giá một cách chính xác nhất việc áp thuế 5% với mặt hàng phân bón trong giai đoạn từ 2011 - 2014 đã giúp doanh nghiệp được hoàn bao nhiêu, ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào đến người dân.

"Vừa qua, khi thực hiện phục hồi kinh tế, chúng ta cố gắng giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho người dân để kích thích tiêu dùng. Nay thực hiện thu thuế 5% để giảm giá bán là không thuyết phục”, đại biểu Nguyễn Trường Giang lo ngại.

 Cần dữ liệu đầy đủ, thuyết phục 

Để bảo đảm hài hòa giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) đề xuất phương án khác so với hai phương án tại dự thảo luật.

Cụ thể, đại biểu đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất là 0%. Nếu theo phương án này có thể vừa xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn có thể làm giảm giá phân bón, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

 Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần cân nhắc nếu áp dụng theo phương án này, vì “theo thông lệ thế giới, thuế giá trị gia tăng 0% chỉ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu, chúng ta không thể áp dụng 0% cho một mặt hàng trong nội địa”. Mặt khác, nếu áp dụng 0% sẽ khiến ngân sách phải bỏ tiền ra để hoàn thuế cho doanh nghiệp, điều này hoàn toàn vô lý.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) 

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh, một đất nước nông nghiệp như Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón trong nước đàng hoàng và đĩnh đạc, bình đẳng với thế giới. Ngành sản xuất phân bón nước ta không thể cứ chạy theo chính sách, phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu trên thế giới. Hơn nữa, “nếu ngành sản xuất phân bón của chúng ta tốt thì người dân được lợi, xã hội được lợi, ngành nông nghiệp nước ta cũng được lợi”. 

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng lưu ý, các ý kiến theo quan điểm thứ hai trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng “áp thuế 5% với phân bón sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, chứ không phải để giảm giá ngay”. Cùng với đó, chúng ta sẽ có cơ hội để thu thuế với doanh nghiệp nhập khẩu phân bón. Do vậy, các cơ quan chức năng phải đánh giá giữa được, mất và tổng thể, nếu cứ đi vào câu chuyện áp thuế gây tăng giá hay giảm giá thì sẽ không giải quyết được vấn đề. 

“Nếu để như vậy cũng sẽ vẫn lặp lại câu chuyện với ngành sản xuất phân bón cách đây 10 năm, vẫn phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới” - đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Theo đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang), để có đầy đủ cơ sở giúp Quốc hội bấm nút lựa chọn phương án, cần thiết phải cung cấp thêm thông tin đánh giá tác động một cách thuyết phục. “Cần phải có dữ liệu, bằng chứng lượng hóa đầy đủ, thích hợp và thuyết phục để đại biểu xem xét” - đại biểu lưu ý. Đồng thời cho rằng, xét về tổng thể, phương án nào mang lại hiệu quả tối ưu hơn thì quyết định theo phương án đó, không thể chỉ phân tích yếu tố tác động ở một vài khía cạnh để quyết định cho một chính sách.

 Vẫn theo đại biểu, bên cạnh chính sách thuế, phân bón còn là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá theo Luật Giá. Do vậy, nếu ngân sách thu thêm được và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển, thì Nhà nước có thể sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho bà con nông dân qua các chính sách khác. Hoặc nếu tính toán để tránh việc không tính thuế đang bảo hộ ngược cho phân bón nhập khẩu thì chỉ xem xét điều chỉnh đối tượng áp thuế 5% đối với những loại phân bón có nhập khẩu. Tức là, phải lựa chọn phương án phù hợp để mang lại hiệu quả tối ưu cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, trong khi ảnh hưởng tiêu cực là ít nhất./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực