APEC 2017: Chia sẻ kỹ năng đàm phán về cạnh tranh trong các FTA
Thứ bảy, 19/08/2017 21:31 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Nằm trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3), ngày 19/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban thương mại và đầu tư APEC (CTI) tổ chức hội thảo về “Các kỹ năng đàm phán về cạnh tranh trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ”.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)
Tại hội thảo, các chuyên gia từ các nền kinh tế APEC tập chung thảo luận 2 chủ đề chính bao gồm: sự quan trọng của chính sách cạnh tranh và ý nghĩa của việc lập ra một chương về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do; những cơ hội và thách thức liên quan đến việc chấp nhận một chương về sự canh tranh trong các FTA.
Phát biểu mở đầu buổi thảo luận, bà Marie Sherylyn Aquia, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư APEC đã bày tỏ hy vọng rằng chia sẻ từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ giúp các quan chức kinh tế APEC và các nền kinh tế thành viên xây dựng chính sách tốt hơn khi đàm phán các FTA.
Theo ông Satoshi Ogawa, Luật sư về cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), điều quan trọng là đưa các điều khoản về cạnh tranh vào các FTA/EPA trong nền kinh tế toàn cầu hóa này. Cần tăng cường hợp tác quốc tế để chống lại hành vi chống cạnh tranh vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Điều này có lợi cho các cơ quan cạnh tranh, cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Hiroshi Kudo, chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng, APEC đã tạo ra những hành lang pháp lý quan trọng để các thành viên có thể chia sẻ và tạo ra những đường hướng cho phát triển kinh tế thông qua các hợp tác trong các FTA. Theo ông Hiroshi Kudo, đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm tốt từ các nền kinh tế phát triển hơn trong APEC. Ông Hiroshi Kudo cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tăng cường, bổ sung hơn nữa các khu vực pháp lý trong cạnh tranh, có những chính sách hỗ trợ để biến những thách thức thành thế mạnh.
Đại diện phía Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam đã có Luật cạnh tranh, thành lập cơ quan cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương), đồng thời tích cực tham gia các nhóm chuyên gia của APEC. Hiện Việt Nam đang sửa đổi Luật cạnh tranh với những nội dung mới, phù hợp với thông lệ của APEC cũng như quốc tế./.
Chi Mai