Ba Bể (Bắc Kạn): Khởi sắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Thứ năm, 09/08/2018 10:16
(ĐCSVN) - Là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Bắc Kạn nhưng nhờ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội đến với các xã, thôn, đời sống của bà con huyện Ba Bể ngày càng được cải thiện, từng bước đi vào sản xuất quy mô lớn.​
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Đồng Thị Đoài, thôn Nà Ché, xã Thượng Giáo,
huyện Ba Bể cho doanh thu từ 110-120 triệu/năm (Ảnh: BT)

Khởi sắc từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Cao Minh Hải, qua 7 tháng năm 2018, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt gần 300 tỷ đồng. Với nguồn vốn tín dụng này, bà con đã tiếp cận thực hiện đúng dự án sản xuất cam kết ban đầu, đảm bảo vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Qua các đợt kiểm tra không phát hiện ra các sai phạm.

Cùng với các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, việc sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, giảm khoảng 3% mỗi năm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương còn khoảng trên 28%.  

“Vừa qua Thủ tướng đã có Quyết định 275 phê duyệt huyện thoát nghèo, trong đó có Ba Bể. Đối với các xã, từ 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hiện nay còn 6 xã khó khăn. Đây là kết quả nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền địa phương cũng như nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong đó, đóng góp một phần quan trọng đạt được kết quả trên không thể không kể đến nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội” – Ông Cao Minh Hải cho hay.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, để sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hiệu quả, địa phương xác định lợi thế của huyện miền núi, tập trung vào các sản phẩm nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Đã có một số sản phẩm hàng hóa tiêu thụ đi các tỉnh như: hồng không hạt, miến dong, mô hình bí xanh thơm tiêu thụ ở các siêu thị. Riêng mô hình bí xanh thơm có diện tích khoảng 60ha, doanh thu đạt trên 220 triệu/ha cho hiệu quả tốt.

Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể cho biết, tính đến 30/6/2018, tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đạt 273.671 triệu đồng, đạt 96,88% kế hoạch giao; tăng so với thời điểm 31/12/2017 là 7.933 triệu đồng. Chất lượng tín dụng, tổng dư nợ quá hạn, dư nợ khoanh 827 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,3% / tổng dư nợ.

Hàng năm, cùng với nguồn vốn của Trung ương, địa phương cũng bố trí nguồn vốn ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho bà con.

Hiệu quả sử dụng tín dụng chính sách xã hội đến với các thôn

Tìm hiểu sâu hơn về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, chúng tôi đến xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể. Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Thế Tuấn – Chủ tịch UBND xã cho hay, nguồn vốn vay chính sách xã hội giúp đỡ rất nhiều hộ dân của xã trong phát triển kinh tế. Trong đó, kinh tế hộ gia đình của bà con phát triển nhờ đầu tư nguồn vốn vào chăn nuôi và trồng trọt.

Nhờ hưởng lợi từ nguồn vay tín dụng này, đến thời điểm này, Thượng Giáo đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; đầu năm 2018, bình quân thu nhập đầu người của xã đã đạt 29,5 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, cách đây khoảng 10 năm, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm trên 50%, hiện nay con số này đã giảm xuống còn 24%.

Với mô hình nhận ủy thác nguồn vốn, từ nguồn vốn ở cấp trên giao xuống, xã có 4 tổ chức hội đứng ra nhận ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Ở các thôn sẽ thành lập ra các tổ, sau đó sẽ có những cuộc họp để tuyên truyền cho bà con về nguồn vốn, từ đây xét nhu cầu của từng hộ gia đình để làm các thủ tục cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ hướng dẫn bà con đúng các thủ tục cần thiết để tiếp cận nguồn vốn.

Để giúp bà con triển khai hiệu quả nguồn vốn, theo Chủ tịch UBND xã Ma Thế Tuấn, hàng tháng, xã sẽ tổ chức kiểm tra, nắm tình hình phát triển kinh tế của các hộ gia đình, đảm bảo không thất thoát nguồn vốn, đồng thời đôn đốc để bà con trả lãi đúng thời hạn theo quy định.

 

Mô hình nuôi gà của anh Hoàng Văn Dương, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể
cho lãi từ 20-30 triệu đồng/lứa (Ảnh: BT)

Một trong những hộ sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách khá hiệu quả có thể kể đến gia đình chị Đồng Thị Đoài, thôn Nà Ché, xã Thượng Giáo. Gia đình chị trước đây là nghề nông, làm nương làm ruộng, gặp nhiều khó khăn, vất vả. Tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách từ năm 2004, chị bắt đầu với số lượng nhỏ nuôi trâu, bò, lợn với nguồn vốn 5 triệu đồng ban đầu. Đến năm 2007, chị tiếp tục vay thêm khoảng 20 triệu đồng để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Năm 2015, nhận thấy chăn nuôi có hiệu quả, chị mạnh dạn vay 43 triệu đồng để làm chuồng trại và tăng đàn. Đến nay, đàn lợn của chị đã có khoảng 50-60 con. Mỗi năm chị xuất đàn khoảng 2 lứa lợn, với giá bán giao động trong khoảng 53-55 nghìn đồng/kg, doanh thu từ chăn nuôi đàn lợn của chị cho từ 100-120 triệu đồng/năm.

Tương tự như gia đình chị Đoài, gia đình anh Hà Văn Hoan, thôn Nà Ché, xã Thượng Giáo cũng triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách để nuôi trâu, bò và đàn lợn. Mỗi năm, doanh thu cho khoảng trên 100 triệu đồng.

Với gia đình anh  Hoàng Văn Dương, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể cũng đã cải thiện quy mô sản xuất đáng kể khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội. Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng cây hoa quả, do thiếu nguồn vốn nên chưa thể phát triển sản xuất. Từ khi được vay nguồn vốn tín dụng chính sách, anh mở rộng thêm quy mô sản xuất để nuôi gà, thả cá, trồng thêm cây ăn quả. Hiện nay, gia đình anh nuôi từ 700-800 con gà, gần 100 con vịt, trồng khoảng 1,8ha rừng keo, 1ha cây ăn quả mận sớm, ổi, táo, cam. Hàng năm, doanh thu từ mô hình trồng vườn ao chuồng cho gia đình anh thu nhập ổn định. Riêng với chăn nuôi gà, mỗi năm 4 lứa, mỗi lứa cho doanh thu 140 triệu đồng, mỗi lứa cho lãi khoảng 20-30 triệu đồng.

Với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tiếp cận hứa hẹn sẽ ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đến với người dân ở huyện Ba Bể, để người bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hơn./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực