Bạc Liêu hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản an toàn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu

Thứ tư, 11/03/2020 22:27
(ĐCSVN) - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã đưa nội dung nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm thành một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân, xem đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các huyện, thị, thành Hội.

Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 258.247 ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản trên 131.000 ha với sản lượng khoảng 116.300 tấn, tăng bình quân mỗi năm 6,87%, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chiều dài bờ biển dài 56 km, rất phù hợp và thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh hiện có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc triển khai tại huyện Hòa Bình với diện tích 50 ha đã cho năng suất 40 - 80 tấn/vụ/ha tương đương 120 - 240 tấn/vụ/năm. Ngoài năng suất cao, mô hình này còn kiểm soát tốt dịch bệnh, dễ theo dõi, điều chỉnh các chỉ số môi trường phù hợp với đối tượng nuôi; đảm bảo được yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Từ đó, Bạc Liêu đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; quyết tâm đưa Bạc Liêu thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp của cả nước.

 Việc ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; quyết tâm đưa Bạc Liêu thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp của cả nước.

Xác định đây là chủ trương lớn của tỉnh, là bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản, phù hợp với xu hướng sản xuất của thế giới và thích ứng biến đổi khí hậu, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân, đặc biệt là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi hiểu rõ chủ trương, định hướng và những ưu đãi, lợi ích khi tham gia mô hình này.

Hội Nông dân các cấp tập trung tuyên truyền các chủ trương lớn của tỉnh đến hội viên, xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà trọng tâm là con tôm, cây lúa là một trong 05 trụ cột phát triển của tỉnh nhà.

Với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng trong nước, Hội đặc biệt quan tâm, xem vấn đề tuyên truyền, vận động, định hướng sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội và phong trào nông dân.

Các cấp Hội tích cực phối hợp, tham gia với các Sở, ngành liên quan trong công tác quản lý chất lượng, ATTP; đặc biệt đã cụ thể hóa Chương trình phối hợp (CTPH) giữa UBND tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Hội Nông dân tỉnh về thực hiện công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ…; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân, giúp họ nâng cao nhận thức, chuyển biến tư duy từ coi trọng số lượng sang nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị sản phẩm; từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất; từ sản xuất truyền thống, theo thói quen sang phương thức sản xuất hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất; nâng cao trách nhiệm với cộng đồng; sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đến nay, đã tổ chức được 377 lớp tập huấn, có 13.286 hội viên, nông dân tham dự.

Bên cạnh đó, vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã đưa nội dung tổ chức cho hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm thành một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân, xem đây là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm đối với các huyện, thị, thành Hội. Trong năm 2019, các cấp Hội đã tổ chức vận động 59.429 hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hội Nông dân các cấp vận động áp dụng, nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, tổ chức 82 cuộc tư vấn, hướng dẫn, có trên 1.394 lượt người tham gia, góp phần giúp nông dân hiểu rõ, để mạnh dạn triển khai sản xuất; “Triển khai thực hiện Mô hình nông sản an toàn giai đoạn 2019-2023”; và Kế hoạch 29-KH/HNDT về việc “triển khai thực hiện mô hình nông sản an toàn năm 2019”. Đến nay, đã triển khai xây dựng và khai trương 02 cửa hàng nông sản an toàn tại phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai và xã Định Thành huyện Đông Hải.

 Việc tuyên truyền, vận động, định hướng cho hội viên, nông dân sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm được các cấp Hội triển khai toàn diện, thiết thực.

Mặt khác, các cấp Hội chủ động liên hệ, kết nối nông dân với doanh nghiệp trong việc phối hợp sản xuất; ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm…giúp nông dân yên tâm sản xuất, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, Hợp tác xã, Tổ hợp tác; đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, thân thiện với môi trường; sản xuất sản phẩm sạch, đặc thù, có lợi thế; dần hình thành các chuỗi sản xuất nông sản khép kín từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ ra thị trường. 

Với sự chủ động, quyết tâm cao, việc triển khai mô hình đã cho thấy những ưu thế rõ rệt, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất kinh doanh nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nói chung và đối với mô hình điểm hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản an toàn thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu nói riêng.

Trước yêu cầu của thực tế về nguồn sản phẩm sạch, an toàn, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu xác định tiếp tục vận động, khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, Chi, Tổ Hội nghề nghiệp, tiến tới hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, có điều kiện tốt để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tuyên truyền và đôn đốc các Sở, ngành liên quan cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích sản xuất nông nghiệp như Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.../.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực