Mô hình trồng cà rốt của gia đình anh Nguyễn Văn Linh (Cao Đức, Gia Bình)
mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: baobacninh.com.vn)
Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, trong công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung đẩy mạnh phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách đối với nông dân và xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Xác định phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm có ý nghĩa quan trọng, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng phong trào cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường, hội nhập quốc tế. Thông qua phong trào, các cấp Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo vùng chuyên canh tập trung.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 60 vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số vùng đạt 150 đến trên 500 triệu đồng/ha/năm, điển hình như vùng hoa, cây cảnh trên 500 triệu đồng/ha/năm ở huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn, TP. Bắc Ninh; vùng rau xanh 300 triệu đồng/ha/năm ở thị xã Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh; vùng cà chua 180 triệu đồng/ha/năm ở các huyện Thuận Thành, Tiên Du,... Bên cạnh đó, tỉnh có 24 mô hình sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, hoa sản xuất theo quy trình VietGAP và ứng dụng công nghệ cao; 46 trang trại chăn nuôi lợn, gà ứng dụng công nghệ máng ăn, máng uống tự động, 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô 10ha.
Song song với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Với Đề án “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020”, hàng năm, UBND tỉnh bổ sung tăng trưởng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã định kỳ hằng năm cân đối từ nguồn ngân sách của địa phương để bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân cùng cấp. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 51,8 tỷ đồng. Các cấp Hội đã triển khai cho nông dân vay vốn tại các ngân hàng với tổng dư nợ 589 tỷ đồng cho 24.600 hộ vay. Qua đó, đã giúp hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và kịp thời có vốn đầu tư vào sản xuất, xây dựng các mô hình theo chuỗi.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng và thực hiện Đề án “hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân”. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các công ty cung ứng 11.500 tấn phân bón và chế phẩm sinh học theo hình thức trả chậm cho nông dân, góp phần hạn chế tình trạng nông dân phải mua phân bón giả, kém chất lượng, đảm bảo sản xuất kịp thời.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng một số mô hình đưa cây trồng vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất trên địa bàn tỉnh gắn với tiêu thụ sản phẩm như: mô hình trồng măng tây xanh, mô hình trồng nghệ, trồng ớt thương phẩm, mô hình nuôi thỏ New Zeland,…
Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế, tích cực học tập, nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Từng bước thay đổi tư duy, tác phong làm việc, cách thức quản lý, giúp nông dân có khả năng thích ứng và bắt kịp với xu thế chung của thế giới.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; thúc đẩy phong trào có bước phát triển mới, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tăng cường đầu tư xây dựng mô hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Gắn phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đối với Bắc Ninh cần tập trung vào Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không có thực phẩm bẩn”, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân và các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Mạnh dạn tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân giải quyết cho nông dân vay vốn theo cơ chế đặc thù để hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.
Đồng thời, chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại; hỗ trợ thông tin, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Định kỳ tổ chức “chợ phiên nông sản an toàn”; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tăng cường xây dựng các mô hình kinh tế điểm, nhân rộng các mô hình tiên tiến, điển hình./.