![](https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2020/12/12/buithuy/gomphulang.jpg?dpi=150&quality=100&w=680) |
Các sản phẩm của làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TD) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Ninh cho biết, căn cứ vào tiêu chí công nhận làng nghề được quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, hiện nay, toàn tỉnh có 30 làng nghề gồm: 21 làng nghề truyền thống, 9 làng nghề mới hoạt động trên 65 thôn, khu phố, được phân theo 6 nhóm ngành nghề nông thôn. Cụ thể gồm: nhóm làng nghề chế biến bảo quản nông lâm sản; nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn,…
Ngoài số làng nghề kể trên, toàn tỉnh còn 32 thôn, khu phố có 12 nghề truyền thống, đang phát triển khá tốt như: nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh khoai Thị Cầu,… Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng nghề mây tre đan Xuân Hội, làng nghề tre trúc Xuân Lai, làng nghề đồ gỗ Khúc Toại.
Thời gian qua, Bắc Ninh đã quan tâm đến công tác phát triển nghề, làng nghề nông thôn, trong đó, đã hỗ trợ 5 dự án khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường, các dự án hỗ trợ máy móc thiết bị. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn, qua đó, tạo điều kiện giúp các sản phẩm của các làng nghề đến với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Bắc Ninh, trong quá trình phát triển nghề và làng nghề ở Bắc Ninh, vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn. Có thể kể đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực thi chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở. Đồng thời, trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề bị các sản phẩm của công nghiệp thay thế như: đồ nhựa thay thế đồ may tre đan, đồ gốm, đồ đồng, …
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất của các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề chủ yếu vẫn là thủ công, chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ mới. Còn thiếu sự liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến việc khó có thể cạnh tranh được trên thị trường. Việc huy động các nguồn vốn để đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình.
Một khó khăn nữa là đa số sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và thị trường tiêu thụ không ổn định, còn phải thông qua nhiều khâu trung gian. Đặc biệt, hoạt động sản xuất ở các làng nghề chủ yếu nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, đa số các địa phương chưa xây dựng phương án bảo vệ môi trường.
Nhằm khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện cho phát triển các ngành nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh, Bắc Ninh định hướng phát triển nghề, làng nghề đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa du lịch của tỉnh, huyện gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm”. Đồng thời, có chính sách đầu tư liên kết, hợp tác giữa các nghề, làng nghề với nhau; giữa nghề, làng nghề với cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và với các doanh nghiệp công nghiệp lớn để hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, song song với phát triển ngành nghề nông thôn, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Đặc biệt là công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phong trào chống rác thải nhựa và sử dụng sản phẩm truyền thống, thân thiện với môi trường.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, gắn quy hoạch phát triển nghề, làng nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa du lịch của địa phương. Đáng chú ý là xây dựng kế hoạch, lộ trình để từng bước tiến tới thực hiện triệt để việc tách khu sản xuất ra khỏi khu dân cư. Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp làng nghề để thu gom và xử lý triệt để chất thải.
Thứ nữa là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong các làng nghề, trong đó, đầu tư máy móc, thiết bị, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề. Từng bước khắc phục môi trường ở các làng nghề trong các khu dân cư, trả lại cảnh quan xanh, sạch đẹp cho làng xã.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết, địa phương sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm” trong các làng nghề nhằm hoàn thiện và phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng đề án để lập danh mục nghề truyền thống, làng nghề cần bảo tồn và phát triển nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề./.