Bài 1: Giải pháp nào phục hồi nền kinh tế sau COVID-19

Thứ hai, 08/06/2020 08:37
(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Các gói hỗ trợ nền kinh tế được triển khai và dần đi vào cuộc sống. Tuy nền kinh tế đã có dấu hiệu đi lên, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: hanoimoi.com.vn) 

Thực tế cho thấy, dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Theo số liệu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng trưởng âm (-1,17%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng chỉ ở mức 5,28%; và khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng rất thấp. Các số liệu này phản ánh bức tranh kinh tế ảm đạm dưới cú sốc của dịch bệnh.

Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiện tại, tình hình dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát; cùng với đó, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, người dân đang dần đi vào cuộc sống, nên các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh đang dần trở lại nhịp độ bình thường. Do đó, đến tháng 5/2020, nhiều ngành kinh tế đã từng bước phục hồi.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 ước tính tăng 11,2% so với tháng trước; số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2020 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước. Tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc, trong tháng 5, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng trước.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 đạt 31.101 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2020 đạt 116.258 tỷ đồng, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng mạnh. Tháng 5 là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh (26,9%) so với tháng trước.

Tình hình xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu khả quan. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước.

Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5 vẫn gặp nhiều khó khăn, do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm; dịch COVID-19 đã được cơ bản khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nông sản. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản trong tháng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm…

Phát triển kinh tế hậu COVID-19

Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã hành động rất hiệu quả trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19, nhờ đó, số lượng ca nhiễm duy trì ở mức thấp và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Chính phủ cũng đã tích cực hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tín dụng cũng như thực hiện một loạt các biện pháp tài khoá khác. Với tất cả những nỗ lực đó, hy vọng rằng nền kinh tế sẽ dần ổn định và phục hồi. Việc nền kinh tế phục hồi nhanh là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn đó là nền kinh tế cần phục hồi bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt, cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hậu COVID-19. Trong các tháng còn lại của năm 2020, việc phục hồi các ngành nghề, lĩnh vực phát triển kinh tế do tác động tiêu cực bởi dịch bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề tương đối lớn là ổn định kinh tế vĩ mô vì sau dịch bệnh, một số vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô được đặt ra và công tác ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần duy trì tỷ lệ lạm phát thấp. Vì, mục tiêu đặt ra là dưới 4%, nhưng có nhiều yếu tố có thể đẩy lạm phát lên cao như giá lương thực, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn đang tăng rất mạnh và giá xăng dầu trên thế giới và trong nước cũng đang bắt đầu tăng. Do đó, đối với giá thực phẩm, thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương cần có các giải pháp kích thích tăng đàn; tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu thịt lợn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đối với giá xăng dầu hay lương thực, Chính phủ cần có biện pháp làm cho giá trong nước biến động đồng nhịp với giá thế giới. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy công tác kiểm tra, giám sát những hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá, trục lợi.

Bội chi ngân sách, nợ công sau COVID-19 có thể sẽ tăng cao do nguồn thu ngân sách thu hẹp và chi ngân sách tăng mạnh. Trước các cú sốc tiêu cực, bội chi ngân sách gia tăng là bình thường, nhưng vì thời kỳ trước đó, bội chi ngân sách và nợ công luôn ở mức cao, nên cú sốc COVID-19 càng làm cho các chỉ số kinh tế vĩ mô rơi vào tình trạng bất ổn. Vì thế, sau khi nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, các gói hỗ trợ cần được rút dần, chỉ tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất, như vận tải, bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thép, du lịch…

Đưa nợ xấu nằm trong vòng kiểm soát. Thay vì nới lỏng điều kiện cho vay, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng thương mại đánh giá thận trọng rủi ro của các doanh nghiệp. Nợ xấu ở mức cao là nút thắt cho nền kinh tế hoạt động bình thường, nên có thể chấp nhận nền kinh tế bắt đầu phục hồi chậm, nhưng vững chắc, còn hơn là phục hồi nhanh nhưng thiếu bền vững, để lại hệ luỵ cho thời gian sau này.

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 5%. Vì, ở mức tăng trưởng này là mức đảm bảo công ăn việc làm cho người dân. Đảm bảo việc làm có thu nhập cho người lao động là chính sách phúc lợi xã hội rất quan trọng. Kể từ đầu tháng 5/2020, nền kinh tế nước ta đã dần hoạt động bình thường trở lại; và cùng với các gói hỗ trợ nền kinh tế đang được triển khai, thì khả năng tăng trưởng kinh tế đạt được khoảng 5% là rất cao. Vấn đề là cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh và giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế nhằm đạt hiệu quả tốt nhất có thể.

Thứ ba, thực hiện các gói hỗ trợ đủ liều lượng, đúng thời gian và đúng đối tượng. Với nguồn lực có hạn, việc rải đều cho nhiều đối tượng làm cho sự hỗ trợ không đáng kể, ít có ý nghĩa và không thay đổi được hành vi của người nhận hỗ trợ. Vì thế, các gói hỗ trợ cần tập trung vào những đối tượng, ngành nghề cần nhận được sự hỗ trợ nhất, thay vì hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng.

Hiện tại, các gói hỗ trợ đang được thực hiện đảm bảo kịp thời, nhưng vấn đề lớn nhất là cần đúng địa chỉ, có nghĩa là các khoản hỗ trợ đến đúng đối tượng cần hỗ trợ. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa mới được triển khai, nhưng đã gặp không ít vấn đề, trong đó có nhiều khoản hỗ trợ đã đến sai địa chỉ. Tiếp đó, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh sẽ còn khó hơn, phức tạp hơn, vì thế, khả năng sai địa chỉ không phải là không có khả năng tiếp tục xảy ra.

Để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, việc triển khai thực hiện cần công khai, minh bạch; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các gói hỗ trợ.

Thứ tư, trong năm 2020, Chính phủ cần đưa ra chính sách và khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển thương mại, du lịch nội địa. Thực tế cho thấy, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, hoạt động ngoại thương cũng như du lịch sẽ tiếp tục bị hạn chế. Nhiều tổ chức thế giới đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 có khả năng sẽ tăng trưởng âm. Vì thế, năm 2020, thay vì thực hiện các chính sách hướng ra bên ngoài, Việt Nam cần có các chính sách hướng vào bên trong, phát triển thị trường nội địa và du lịch trong nước; chẳng hạn như đối với ngành du lịch, Việt Nam đã phát động và triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.

Thứ năm, cần có chiến lược khả thi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, cho dù đây là việc làm cần nhiều thời gian. Có thể thấy, đợt dịch COVID-19 đã bộc lộ không ít lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nước ta khi phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu từ một số nước thì gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất; những lĩnh vực không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ một số nước lại có thể chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cần thời gian, nhưng những cú sốc vừa qua cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh hơn nữa phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội từ hội nhập, từ sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia và giảm thiểu rủi ro khi các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy…

(Còn nữa)

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực