Bài 2: Bấp cập chồng bất cập

Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thứ năm, 30/05/2024 19:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Từ những tồn tại, hạn chế phát sinh khi thực hiện Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và các quy định trong hệ thống pháp luật liên quan hiện hành ở nhiều trường hợp cụ thể cho thấy, hiện còn quá nhiều bất cập gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn người giám sát, chấp hành các quy định pháp quy.

Quản lý, sử dụng nguồn lực vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ảnh minh hoạ 

Tồn tại xung đột lợi ích trong khung khổ pháp lý

Trở lại với câu chuyện của khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, mà cụ thể là trường hợp của Agribank, ông Vũ Thanh Xuyên - Trưởng ban giám sát Tài chính các tập đoàn - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu rõ, theo nguyên tắc giám sát hữu hiệu ngân hàng của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) và Quy tiền tệ tuốc tế (IMF), nguyên tắc đầu tiên bảo đảm các ngân hàng hoạt động lành mạnh, bảo đảm hoạt động giám sát đúng mục tiêu là xóa bỏ các tồn tại xung đột lợi ích trong khung khổ pháp lý về giám sát, quản lý ngân hàng, cụ thể:

Thứ nhất, cơ quan thực thi chức năng quản lý nhà nước về ngân hàng không được đảm nhiệm chức năng đại diện vốn chủ sở hữu.

Thứ hai, cơ quan thực thi chức năng quản lý nhà nước hoặc cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu không được thực thi chức năng giám sát. Về cơ bản, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu, cơ quan giám sát cần độc lập với nhau.

Xa hơn, thông lệ quốc tế cũng nêu rõ rằng các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính, cơ quan bảo hiểm tiền gửi cần độc lập, tách bạch hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở cơ quan điều phối chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước về ngân hàng và các cơ quan giám sát, đại diện vốn, bảo hiểm tiền gửi, có thể vừa hoạt động độc lập, vừa phối hợp chặt chẽ với nhau, sẽ bảo đảm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nói riêng và hệ thống ngân hàng thương mại nói chung bình đẳng hơn trong tiếp cận nguồn lực từ Ngân hàng Nhà nước, có thể hoạt động lành mạnh, được giám sát, xếp hạng minh bạch, phòng ngừa sớm những rủi ro hoạt động, rủi ro hệ thống phát sinh. Bên cạnh đó, một cơ quan vừa là chủ sở hữu ngân hàng vừa giám sát toàn bộ hệ thống tín dụng là bất hợp lý và phần nào ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong nền kinh tế và tính bình đẳng trong kinh doanh giữa các ngân hàng, nhất là đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài.

Từ góc nhìn này về hoạt động các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, theo ông Vũ Thanh Xuyên, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 cần hướng tới các mục tiêu: Thứ nhất, tiếp tục xác định Nhà nước đầu tư vốn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng để bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ, trong đó nhà nước có sở hữu vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước. Thứ hai, tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn và chức năng quản lý tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Thứ ba, tăng quyền chủ động về đầu tư vốn nhà nước cho các cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu song hành với thiết lập cơ chế giám sát độc lập, tăng trách nhiệm giải trình.

Cơ quan quản lý nhà nước “làm thay” vai trò của doanh nghiệp

Trong thực tế, việc chấp hành các nội dung quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và các văn bản hướng dẫn luật của một số doanh nghiệp nhà nước. Nêu những thí dụ cụ thể tại tỉnh Bình Thuận về việc các doanh nghiệp đã gặp nhiều bất cập, khó khăn cần gỡ bỏ khi thực hiện các quy định tại Luật số 69/2014/QH13, bà Bùi Thị Hồng Thủy - Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận cho rằng, nguyên nhân phát sinh những bất cập chính là do thiếu sự thống nhất giữa các quy định tại Luật này với hệ thống pháp luật liên quan hiện hành.

Là các doanh nghiệp chuyên về bảo vệ rừng, trồng rừng nên vốn của các Công ty lâm nghiệp tại Bình Thuận thấp, gặp khó khăn trong việc ra các quyết định của doanh nghiệp. (Ảnh: M.P)

Theo bà Bùi Thị Hồng Thủy, tỉnh Bình Thuận hiện có bốn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và hai công ty cổ phần có phần vốn nhà nước do UBND tỉnh Bình Thuận làm đại diện chủ sở hữu vốn. Trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn đã thực hiện theo đúng các quy định tại Luật số 69/2014/QH13 như đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, việc mua sắm tài sản, việc ban hành quy chế tài chính… Tuy nhiên, hiện một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan có sự thay đổi. Mặt khác, quá trình triển khai thực hiện luật và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật số 69/2014/QH13 quy định về thẩm quyền quyết định bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động:

“1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập.

 2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý theo quy định của Luật này, trù doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này”.

Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 4, Điều 2 Nghị định Số 140/2020/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần lại quy định: “b, Đối với doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập hoặc được giao quản lý, Thủ tướng Chính phủ phải xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp này. Căn cứ nội dung phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ cho các doanh nghiệp theo quy định tại Điều 11, Nghị định này”.

Điều này đã khiến việc thực hiện quy định pháp luật gặp khó khăn và tốn quá nhiều thời gian. Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), doanh nghiệp này xây dựng phương án bổ sung vốn điều lệ để sửa chữa nâng cấp văn phòng làm việc với giá trị… dưới 100 triệu đồng, nhưng UBND tỉnh Bình Thuận đã phải trình lên tới Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư.

Hay việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh có vốn chủ sở hữu dưới 600 triệu đồng, do đây là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quản lý chủ yếu là đất rừng, trồng rừng và bảo vệ rừng tự nhiên nên vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu rất thấp. Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 23 Luật số 69/2014/QH13, doanh nghiệp này muốn huy động vốn với số tiền dưới 300 triều đồng (50% vốn chủ sở hữu) thì phải được UBND tỉnh quyết định chủ trương huy động. Điều này làm mất tính chủ động và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy, khi xây dựng dựa án luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13, cơ quan soạn thảo nên sửa hoặc có quy định riêng về thẩm quyền huy động vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ hay “siêu” nhỏ dạng này.

Tương tự, ngay trong năm 2023 vừa qua, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận có nhu cầu mua hai xe ô tô phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh để thay thế các xe hiện có đã hư hỏng nặng; Tại thời điểm năm 2021, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021-2025) trình UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, đã không đưa danh mục mua sắm xe ô-tô vào kế hoạch này. Thế nên, dù giá trị mua sắm xe ô-tô thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty. Song, căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 24 Luật số 69/2014/QH13, doanh nghiệp này đã phải lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh cả kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2021-2025) trình xin UBND tỉnh Bình Thuận xem xét phê duyệt mới đủ điều kiện thực hiện mua sắm xe ô tô. Điều này không chỉ làm khó cho doanh nghiệp mà còn tiêu tốn quá nhiều thời gian, nhân lực của nhiều cơ quan quản lý vào việc hoàn thiện thủ tục mang tính hồ sơ viện dẫn đơn thuần.

Từ những tồn tại, hạn chế phát sinh khi thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các quy định trong hệ thống pháp luật liên quan hiện hành như các trường hợp cụ thể nêu trên, bà Bùi Thị Hồng Thủy đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của luật theo hướng: kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp thực tế, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cân nhắc giao quyền chủ động cho doanh nghiệp nhà nước quản lý hoạt động của doanh nghiệp mà mình góp vốn, qua đó hạn chế việc các cơ quan quản lý nhà nước “làm thay” vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và cả phần việc thuộc nhiệm vụ của doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực