Bài 2: Phát triển du lịch bền vững ở TP Huế - nỗ lực hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân

Thứ sáu, 26/08/2022 21:38
(ĐCSVN) - Để biến những lợi thế khác biệt trong du lịch của Huế trở thành những giá trị hiện thực trong thang điểm năng lực cạnh tranh phát triển du lịch, đưa du lịch Huế phát triển xứng tầm với tiềm năng, đòi hỏi cả hệ thống chính quyền cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người làm du lịch phải có những nỗ lực đặc biệt tương ứng.

Bài 1: Thừa Thiên Huế xứng đáng là thành phố xanh của Việt Nam

Thách thức trong phát triển du lịch xanh ở Huế

So với các địa phương trong cả nước, Huế có lợi thế đặc biệt về tài nguyên văn hoá, lịch sử, cảnh quan, môi trường cũng như nguồn nhân lực để phát triển du lịch. Chính vì vậy, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Huế, trong đó có du lịch xanh.

Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả kinh tế, du lịch Huế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Có nhiều lý giải cho vấn đề này, song có một nguyên nhân quan trọng đã đến lúc phải thẳng thắn chỉ ra, đó là, chính những lợi thế đặc biệt của Huế cũng là trở lực, khó khăn trong việc phát triển du lịch Huế.

Thừa Thiên Huế có mật độ di sản văn hoá, lịch sử dày đặc cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hoà và hệ sinh thái môi trường - kiến trúc - đô thị hoàn hảo đến mức tinh tế 

Mật độ di sản văn hoá, lịch sử dày đặc cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hoà và hệ sinh thái môi trường - kiến trúc - đô thị hoàn hảo đến mức tinh tế làm cho Huế bắt buộc phải thận trọng cân nhắc trong từng quy hoạch phát triển, từng dự án đầu tư, từng công trình xây dựng... Đặc điểm này làm cho tiến trình đầu tư hạ tầng du lịch bị chậm lại. Đồng thời, nhiều dự án phát triển du lịch kêu gọi đầu tư chậm được triển khai. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch “sẵn có” (như: lăng tẩm, chùa chiền, các điểm di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan thiên nhiên đẹp…) quá nhiều cũng làm cho người kinh doanh du lịch, cơ quan quản lý du lịch thiếu đi tính sáng tạo, năng động trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch. Một giai đoạn khá dài, du lịch Huế chủ yếu dựa vào tham quan các điểm di tích sẵn có, thiếu những sản phẩm mới hình thành dựa trên chất liệu văn hóa, lịch sử, cảnh quan…  phong phú vốn là lợi thế khác biệt Huế đang có. Đặc điểm này làm cho du lịch Huế trở thành “đi trước về sau” trong một số mảng du lịch so với khá nhiều địa phương khác ít có lợi thế hơn.

 Du khách đến Đại nội Huế đông nghịt trong chương trình Lễ hội Festival 2022

Đối với Huế, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì điểm thuận lợi là cơ bản; điểm khó khăn tuy nhiều nhưng khi hệ thống chính trị quyết tâm đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, kiên trì triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND, ngày 12/7/2021, du lịch Huế sẽ thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Du lịch văn hóa tâm linh tại Huế - tiềm năng chưa thành thế mạnh.

Để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đồng chí Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Thành phố Huế cho biết, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong bối cảnh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung cao độ vào việc tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch hành động, dự án đầu tư… để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 54-NQ/TW, với vai trò là đô thị trung tâm - phần lõi của đô thị di sản đặc thù - thành phố Huế có nhiều cơ hội để phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, đột phá.

Đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ, thực hiện định hướng, chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Huế đã và đang tập trung vào những vấn đề, nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, giữ gìn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa Huế, đặc biệt là con người Huế.Huế định hướng mục tiêu phát triển du lịch văn hóa. Trong đó xác định con người Huế là hiện thân sống động của giá trị văn hóa Huế, mỗi người là một "đại sứ" cho du lịch Huế, con người Huế vừa là chủ thể vừa là "sản phẩm" độc đáo của du lịch Huế.Thành ủy Huế đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 01/6/2021 về việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Thứ hai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có điều kiện kinh doanh du lịch, dịch vụ như là một cách thức giới thiệu văn hóa Huế, con người Huế đến với du khách gắn với giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua việc triển khai đề án Kinh tế đêm, Kinh tế vỉa hè. Hiện nay, song song với việc đầu tư hạ tầng đô thị xanh, sạch, đẹp, thành phố từng bước sắp xếp, tổ chức cho người dân kinh doanh ẩm thực, hàng rong, thủ công mỹ nghệ, hoạt động nghệ thuật… trên các vỉa hè, không gian công cộng vào các khung giờ phù hợp, có quản lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

 Đồng chí Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Thành phố Huế - một người lãnh đạo rất tâm huyết với du lịch Huế

Thứ ba, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật thông qua tổ chức các lễ hội Festival văn hóa, nhiếp ảnh; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều đoàn làm phim đến hoạt động. Thứ tư, thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát huy các giá trị cộng đồng, xanh, thân thiện môi trường và số hóa. Tiếp tục triển khai phố đi bộ Hoàng thành Huế theo hướng phố du lịch văn hóa. Đầu tư phố đêm mua sắm, dịch vụ cao cấp Hai Bà Trưng; chuẩn bị tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế năm 2023 theo định hướng đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Triển khai các công việc để xây dựng các không gian văn hóa số, trung tâm dữ liệu du lịch nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch số cho du khách. Và thứ năm, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, an toàn. Nâng cấp hạ tầng, chất lượng dịch vụ Chợ Đông Ba; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ xích lô, ca Huế; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, quyết liệt đấu tranh với nạn trộm cắp, ma túy theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 01/6/2021 của Thành ủy Huế về tăng cường các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp giật tài sản giai đoạn 2021-2025.

 Huế tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát huy các giá trị cộng đồng, xanh, thân thiện môi trường và số hóa. Tiếp tục triển khai phố đi bộ Hoàng thành Huế theo hướng phố du lịch văn hóa

Cũng theo đồng chí Phan Thiên Định, người dân Huế luôn yêu, trân trọng và có ý thức một cách rõ rệt trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng như văn hóa Huế. Người dân Huế cũng luôn cảm nhận một cách tinh tế các mối quan hệ đa dạng sinh học - cảnh quan - kiến trúc. Do đó, thông qua cách biểu lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, một cách tự nhiên, người dân Huế đã chung tay vào việc gìn giữ thành phố du lịch xanh.

 Huế sẽ là thành phố du lịch xanh, đáng để du khách phải quan tâm trải nghiệm

Tâm huyết với Du lịch Huế, đồng chí Phan Thiên Định bày tỏ, thông qua các phong trào Chủ nhật Xanh, Chủ nhật vì cộng đồng, Sắc hồng Cố đô do thành phố phát động với sự tham gia bền bỉ của đông đảo người dân; thông qua việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các vấn đề, kiến nghị của người dân qua Huế, ý thức này ngày càng được nâng lên và nhân rộng. Bên cạnh đó, tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân đóng góp ý kiến, chung tay xây dựng thành phố là vấn đề thành phố đang hướng tới. Khi người dân có cơ hội thực hiện một cách cao nhất quyền làm chủ, thành phố sẽ mãi xanh, an lành cho cuộc sống của mỗi người; cùng với các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan đang có, Huế sẽ là thành phố du lịch xanh, đáng để du khách phải quan tâm trải nghiệm./.

Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực