Bài 3: “Mọi sự chậm trễ đều có lỗi với nhân dân”

Chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh
Thứ tư, 03/05/2023 09:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng mong muốn các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân trên địa bàn tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa, đặc biệt là phải tập trung ưu tiên nhiệm vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ giàu bền vững, đồng thời khẳng định: “Mọi sự chậm trễ đều có lỗi với nhân dân”.

Bài 1: Miền quê đáng sống nơi Thạch Hạ

Bài 2: Can Lộc – Bức tranh nông thôn mới ở vùng đất truyền thống

Hạ tầng nông thôn tại tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh: Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh) 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM ngày 5/4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định, xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM là mục tiêu được xác định trong Nghị quyết Đại hội 19, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết. Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM nói chung, Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Những kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, cố gắng, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và con em Hà Tĩnh xa quê.

Cũng tại Hội nghị trên, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, trong 2 năm 2021 - 2022, Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM và Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM trong điều kiện rất khó khăn, đại dịch COVID-19 bùng phát, nguồn lực thực hiện hạn chế. Mặc dù vậy, vượt lên mọi khó khăn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện Đề án tỉnh NTM, huyện NTM, xã NTM và đã giành được những kết quả tích cực, có nhiều dấu ấn nổi bật.

 Nhân dân Hà Tĩnh chung sức xây dựng NTM. (Ảnh: Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh) 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Ngô Đình Long, Phó chánh thường trực Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho hay, bước vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ năm 2010, là tỉnh có xuất phát điểm thấp nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, nhân dân và hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở, sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, đến nay, sau hơn 12 năm, Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành quả rõ rệt, làm thay đổi rõ nét nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 177/181 xã đạt chuẩn, 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn thành phố, thị xã hoàn thành xây dựng NTM; 2 huyện (Lộc Hà, Kỳ Anh) có 100% số xã đạt chuẩn NTM…

Có thể thấy, với chương trình MTQG xây dựng NTM, bức tranh nông thôn và làng quê Hà Tĩnh đã có những đối thay theo hướng đột phá và khởi sắc. Cụ thể: Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang; môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy. Gắn với tiến trình xây dựng NTM, các địa phương đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, triển khai chủ trương dồn điền, đổi thửa, tập trung, tích tụ ruộng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trưởng thành hơn qua phong trào xây dựng NTM – đây cũng thực sự là thước đo để đánh giá giá cán bộ. Đáng chú ý hơn cả, qua xây dựng NTM, tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, nhiều người dân hăng hái hiến đất, hiến công để xây dựng kết cấu hạ tầng.

Khắc phục hạn chế, tồn tại trong xây dựng NTM trên địa bàn

 Nhựa hóa các con đường nông thôn trên địa bàn. (Ảnh: Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh) 

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng thẳng thắn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế. Đó là, tiến độ triển khai thực hiện một số chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM mới nâng cao, NTM kiểu mẫu còn chậm. Việc tổ chức thực hiện Đề án xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM triển khai chậm, thiếu sâu sát, chưa hiệu quả, kết quả còn thấp. Đơn cử, 3 tháng đầu 2023, chỉ có 02/10 tiêu chí cấp tỉnh cơ bản đạt; có 5 tiêu chí khó có khả năng hoàn thành, nhất là tiêu chí về giao chưa được xem xét bố trí nguồn lực thực hiện; nhiều công trình thủy lợi xuống cấp chưa có nguồn đầu tư; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung mới đạt 21,7%/55% mức tối thiểu; Trung tâm văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao, Trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh và nhiều công trình khác chưa có kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp...

Nguồn lực để xây dựng Đề án tỉnh NTM gặp nhiều khó khăn; Ngân sách Trung ương chưa cân đối phần bổ sung; các Chương trình, dự án trọng điểm của Đề án hầu như chưa được triển khai thực hiện.

Về kinh tế nông thôn, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm; kinh tế hộ còn nhỏ; kinh tế hợp tác hiệu quả chưa cao; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa phổ biến. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu vực nông thôn đang tiềm ẩn phức tạp. Hà Tĩnh có rất nhiều sản phẩm OCOP nhưng sản phẩm thực sự có thương hiệu còn rất ít.

Và có điều đang trăn trở là phong trào xây dựng NTM đang có xu hướng chững lại, kể cả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu cho tới sự huy động, sự tham gia, chung sức của cộng đồng dân cư. Một số địa phương, cơ sở thỏa mãn với những kết quả đã có, thậm chí có nơi còn đi xuống, nếu đánh giá lại theo Bộ tiêu chí mới có thể không đạt. Có địa phương nợ tiêu chí nhưng thiếu tập trung để hoàn thành.

Xác định xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt

Thực trạng trên cho thấy, cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 và các yêu cầu Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong đó cần tập trung: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân với tinh thần xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm kết thúc của cả hệ thống chính trị và toàn dân; tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM. “Mỗi người dân tiếp tục phát huy rõ vai trò chủ thể của mình, xây dựng NTM là để cho chính mình và con cháu mình, từ đó, phát huy cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường” – Bí thư Hoàng Trung Dũng yêu cầu.

Phối cảnh Trung tâm điện lực miền Trung xây dựng tại Vũ Quang, Hà Tĩnh.  (Ảnh: UBND huyện Vũ Quang)

Cần gắn kết chặt chẽ xây dựng NTM với xây dựng đô thị văn minh. Tăng cường huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, kết nối đô thị. Ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư các công trình cấp bách nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân. Phát triển các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, NTM nâng cao theo hướng đô thị. Phát triển các đô thị để tạo sức hút chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thu hút lao động nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chú ý phát huy, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, xây dựng NTM phải gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế. Tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành các mô hình sản xuất quy mô, tạo điều kiện để áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Coi trọng hơn nữa chất lượng, mẫu mã, thương hiệu các sản phẩm OCOP, hướng tới có nhiều sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Các địa phương quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, cảnh quan của các địa phương để tạo sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển dịch vụ du lịch.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải bổ sung thêm, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, xây dựng NTM đạt hiệu quả, thiết thực, bền vững, cần  tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên nguồn lực và tài trợ đỡ đầu cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn. Rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí; cập nhật bổ sung kế hoạch nâng cấp, nâng chuẩn đối với các xã đạt chuẩn trước năm 2022, đảm bảo 100% xã đạt chuẩn theo quy định Bộ tiêu chí mới (giai đoạn 2021-2025). Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình từng bước chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, để đảm bảo tính liên tục, bền vững và có chiều sâu. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch ở cấp huyện, xã phù hợp định hướng Quy hoạch tỉnh. Thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất; xây dựng phát triển có trọng tâm một số nhãn hiệu OCOP thực sự chất lượng, có hiệu quả kinh tế. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong thực hiện Chương trình. Chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Xây dựng công trình vệ sinh tự hoại. Nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Nâng cao chất lượng và chiều sâu các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

“Xây dựng NTM là sự nghiệp khó khăn, phức tạp, lâu dài, sâu xa là thay đổi căn bản xã hội nông thôn từ hàng ngàn đời nay, cần có nhận thức đúng, có nguồn lực lớn, có phương pháp phù hợp, nếu không dễ chuyệch choạc. Xác định xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, tạo sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở, do đó, cần phải thay đổi tư duy, cách làm về xây dựng NTM trong giai đoạn mới. Phải sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn, phải chuyển mạnh sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc”- Chủ tịch Võ Trọng Hải nhấn mạnh./.

 

 

Khánh Lan – Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực