Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Thứ ba, 04/04/2017 15:38
(ĐCSVN) - Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: BT)

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trên lĩnh vực trồng trọt, hiện cả nước có khoảng 30/63 tỉnh, thành đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất với 3.053,04 ha, chủ yếu là dừa và Ninh Thuận với 448,26 ha nho, táo, rau; riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ là 284,66 ha.

Nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ nhiều năm và sản phẩm sản xuất ra đã có sự gia tăng về giá trị như: mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình), xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội), chè Shan Tuyết Bắc Hà (Lào Cai)…Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước đã bắt đầu được hình thành.

Trên lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, hiện có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận. Đồng thời, đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong nước. Với lĩnh vực vật tư đầu vào, cả nước có khoảng 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, công suất đăng ký khoảng 4 triệu tấn/năm. Đã cấp phép sản xuất được 115 đơn vị với tổng công suất khoảng 2 triệu tấn/năm.

Dù vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nông nghiệp hữu cơ vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ đối với nước ta, vì vậy, phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không ổn định.

Hiện nước ta vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng về đất cũng như đối tượng trồng, chăn nuôi. Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Việt Nam là nước có diện tích đất canh tác trên đầu người thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới, dân số tăng nhanh. Do vậy, mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn và có chứng nhận.

Cụ thể, sử dụng các giống có năng suất và chất lượng cao và có khả năng kháng sâu bệnh để tăng khả năng huy động dinh dưỡng từ đất và phân bón, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Tăng cường việc áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, cần quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước do hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Tăng cường công tác đào tạo, hợp tác quốc tế về nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng lực và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 – 2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm định hướng và cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới. Đồng thời, giao Bộ NN&PTNT xây dựng hành lang pháp lý trong công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, giúp sản phẩm hữu cơ khẳng định chất lượng và có chỗ đứng tại thị trường trong nước và xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi về việc điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện TCVN11041:2015 và hướng dẫn triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp với TCVN 11041:2015 đủ năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (được các tổ chức quốc tế thừa nhận)./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực