Bàn về áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

Thứ năm, 30/03/2023 19:13
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng không phải dịch vụ có lợi nhuận lớn, chưa quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ, ngành game ở Việt Nam đang phải đối diện với nhiều định kiến, áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là một hình thức bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp game nước ngoài…

Đây là ý kiến nhiều đại biểu nêu ra trong Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 30/3 tại Hà Nội.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online, trong đó vẫn có những định kiến cũng như các lo ngại tác động tiêu cực như mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động… Tuy nhiên, nhiều game online hiện đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học, giúp người chơi phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ.

"Do vậy, cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online", ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.

Còn theo Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Lã Xuân Thắng, ngành game ở Việt Nam đang phải đối diện với nhiều định kiến.

Cũng giống như phim ảnh, nghệ thuật, trò chơi trực tuyến cũng là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung. Ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD vào năm 2024 - 2025 và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Nhưng ở Việt Nam, suốt nhiều năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí - sáng tạo nội dung số khác.

Thực tế đây là 1 ngành kinh doanh có điều kiện, được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.

Nó cũng thúc đẩy công nghiệp phần cứng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, các loại chip xử lý, card đồ hoạ, các thiết bị nghe nhìn phụ trợ. Thị trường phần cứng dành riêng cho Game đạt 36 tỷ USD trong năm 2022, và là nguồn thu quan trọng của các công ty phần cứng lớn trên thế giới.

Hầu hết các trường đại học lớn, các viện đào tạo công nghệ có uy tín trên thế giới đều có các khoa nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành game. Tại Việt Nam, đã có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game như Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thể dục thể thao. Các cuộc thi lập trình, sáng tạo cho ngành game tại các trường cấp 3, các trường Đại học, cao đẳng luôn thu hút được số lượng đông đảo các đội dự thi và chất lượng rất tốt.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Anh Tuấn)

Một tác động thầm lặng khác của game chính là hàm lượng trí tuệ, chất xám rất cao, thậm chí là dẫn dắt các xu hướng công nghệ mới. Ít ai biết là phần lớn các công nghệ mới, đang “hot" hiện nay trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng chuỗi khối (blockchain), tương tác thực tế ảo (AR), thực tế ảo (VR) đều được thử nghiệm và ứng dụng trong ngành game gần như đầu tiên, trước khi được ứng dụng rộng rãi trong các ngành khác như y tế, giáo dục hay tài chính.

Thể thao điện tử, hay esports, - một loại hình trò chơi trực tuyến, có thể coi là bộ môn thể thao phổ biến hàng đầu thế giới hiện nay, chỉ sau bóng đá. Thậm chí các tổ chức bóng đá truyền thống như FIFA còn đang phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất game để đưa ra thị trường các sản phẩm và có kế hoạch tổ chức WorldCup cho trò chơi này. Ba kỳ SEA Games gần đây nhất cũng đều có esports trong danh sách thi đấu chính thức.

Theo thống kê của Data.ai, đơn vị cung cấp dữ liệu hàng đầu thế giới, trong số 10 tựa game di động có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn ½ được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế với Việt Nam. Số liệu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tại Hội nghị ngày 23/3/2023 cũng nêu rõ: hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30.

Nếu bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì những game do công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn. Việc này sẽ có 2 hệ luỵ: Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game; và thứ hai là doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam như kỳ vọng của Chính phủ.

Theo bà Nguyễn Thuỳ Dung, Giám đốc SohaGame, đa số các doanh nghiệp có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp, đặc biệt từ năm 2021 đến nay. Mức doanh thu (tạm gọi) cao chỉ giới hạn với số nhỏ doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, mức doanh thu cao hoặc tương đối đó đều tỷ lệ thuận với chi phí bỏ ra. Phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các doanh nghiệp trong nước trả chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ từ 25 - 35% doanh thu.

Qua rà soát sơ bộ từ doanh nghiệp chưa ghi nhận quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Thậm chí một số nước như Singapore, Trung Quốc... còn có chính sách khuyến khích, đưa ra ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội thảo, tạo điều kiện phát triển ngành trò chơi điện tử.

Trên thị trường đang tồn tại các trò chơi được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định cấp phép, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các trò chơi không phép do các nhà phát triển nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới. Nếu như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, người dùng dịch chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp, doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản.

Có thể thấy, game là một sản phẩm văn hóa giúp truyền bá các nội dung về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ trong nước cũng như hình ảnh đất nước ra thế giới. Thông qua các trò chơi mô phỏng, người chơi có thể học tập về văn hóa và lịch sử của dân tộc, giúp tăng cường sự hiểu biết và nắm vững văn hóa, lịch sử. Game không phải là xấu nếu chúng ta dùng đúng mục đích, mang lại cho xã hội những giá trị về giáo dục và đào tạo, giải trí và thư giãn, Khoa học và y tế.

Ở Việt Nam, hiện ngành game đang phải chịu nhiều loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và Thuế nhà thầu 10% (khi hợp tác với các đối tác ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Do đó, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm giảm số lượng người tiêu dùng và doanh số của các game. Nếu doanh số giảm, các công ty sản xuất game có thể không đủ tài chính để đầu tư vào các dự án mới và phát triển các công nghệ mới, dẫn đến ngành game chậm phát triển và lạc hậu hơn so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, còn khiến giảm các nguồn đầu tư vào ngành, thúc đẩy khách hàng sử dụng phần mềm trái phép, ảnh hưởng đến người lao động trong ngành game, ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo của ngành.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game online sẽ là một hình thức bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp game nước ngoài, đi lệch với định hướng khuyến khích và những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung được nêu trong Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin.

Ông Đào Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc công ty Funtap dẫn số liệu, tại Việt Nam hiện có khoảng 70% nhà phát triển game hướng đến thị trường game di động toàn cầu. Do đó, cần coi ngành game như lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ (tương tự như phim ảnh, hội hoạ...), thậm chí cần được khuyến khích, ưu đãi phát triển hơn nữa.

Để kiểm soát tốt nhất, chúng ta nên tập trung vào việc khuyến khích các nội dung tốt, đẩy lùi các nội dung gây hại, không phép.

Từ năm 2019 đến nay, theo yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Google đã gỡ bỏ 294 game cờ bạc, bạo lực, game không phép; Apple cũng đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng…

Cùng quan điểm, ông Lê Đức Anh, Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Garena chia sẻ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm gia tăng tình trạng game lậu xuyên biên giới gia tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý đối với nhóm game này. Vấn đề ở đây là việc quản lý các game online không phép, có nội dung bạo lực, độc hại, hoặc thậm chí là nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đơn vị là chủ sở hữu game online thay vì lựa chọn hợp tác với nhà phát hành Việt Nam để phát hành hợp pháp tại Việt Nam thì sẽ ưu tiên lựa chọn phát hành xuyên biên giới để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, cơ quan quản lý vừa không thu được thuế vừa không quản lý được nội dung game.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Game Online cũng sẽ cản trở xu thế phát triển, sáng tạo trên nền tảng Internet, cũng như xu hướng game hóa các nội dung/ứng dụng để phục vụ cho các mục đích khác nhau trong đời sống, trong hoạt động hàng ngày của các tổ chức, cá nhân ví dụ như giáo dục đào tạo, rèn luyện kỹ năng, bổ sung kiến thức...

Game là trụ cột trong nội dung số và kinh tế số với tổng doanh năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp số, cùng với thương mại điện tử đã tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia dẫn đầu với doanh thu ngành game là 1,8 tỷ USD; Thái Lan 1,1 tỷ USD; Malaysia 911 triệu USD; Việt Nam 782 triệu USD; Singapore 511 triệu USD (số liệu Newzoo năm 2022). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu, đây là mức trung bình, nếu không muốn nói là thấp.

Việt Nam đang quản lý trò chơi điện tử thông qua Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP; quản lý việc thu nộp thuế thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 06 tháng 8 năm 20414 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam…/.
Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực