Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương

Thứ sáu, 06/11/2020 22:03
(ĐCSVN) - Sau hai năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.

Chương trình tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

 Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: HNV)

Thông tin trên được khẳng định tại Hội nghị kêt nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tại Hà Nội 2020 diễn ra chiều 6/11, trong khuôn khổ Hội chợ làng nghề và các sản phẩm OCOP 2020. Hội nghị đã thu hút đông đảo sự tham gia của nhiều đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia và nông dân khu vực Hà Nội.

Hội nghị lần này nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình OCOP và góp phần hỗ trợ các địa phương kết nối, mời gọi đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng chính là cơ hội gặp gỡ trao đổi, hiến kế, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai thực hiện.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề có vị trí và tầm quan trọng chiến lược trong sự phát triển của nước ta. Với quan điểm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (Chương trình OCOP), triển khai trên phạm vi cả nước với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện, trong đó Nhà nước với vai trò kiến tạo sẽ ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Nhiều kêt quả tích cực từ chương trình OCOP

 Chủ trì Hội nghị. (Ảnh: HNV)

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ, mặc dù mới được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả tích cực. Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến ngày 12/10/2020, cả nước đã có 47 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận cho tổng số 2088 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cụ thể: hạng 3 sao có 1366 sản phẩm, hạng 4 sao có 674 sản phẩm và 48 sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá và phân hạng năm sao. Riêng khu vưc phía Bắc đã có 21/25 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận cho tổng số 1156 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cụ thể: hạng 3 sao có 677 sản phẩm, hạng 4 sao có 455 sản phẩm và 24 sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá và phân hạng năm sao. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có 3.843 sản phẩm được chuẩn hóa OCOP (vượt gần 1,6 lần so với mục tiêu 2.400 sản phẩm)

Việc tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được quan tâm và được tổ chức bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị hợp tác 4 nhà, hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết để tranh thủ tư vấn các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nông dân trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp phân phối, siêu thị với các cơ sở, nhà sản xuất, giao thương chéo giữa các địa phương, các vùng kinh tế; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động các “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” tại các tỉnh, thành phố như Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp...

Cần khắc phục tồn tại, hạn chế

Cũng theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, cùng những tác động của diễn biến thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và những biến động thị trường nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối mặt hàng nông sản xuất khẩu với những quy định mới khắt khe và yêu cầu cao hơn của nước nhập khẩu, thì việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu còn tồn tại nhiều “nút thắt” cần thực hiện nhiều giải pháp bài bản và căn cơ trong thời gian tới.

Về sản xuất, một trong trong những trở ngại hiện nay chính là nhiều địa phương chưa đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên, sản lượng ổn định khiến các đầu mối thu mua ngần ngại. Chưa kể, chính vì quy mô sản xuất của nhiều đơn vị còn nhỏ, đầu tư cho công nghệ còn thấp nên giá trị sản phẩm chưa thể đạt được thứ hạng cao trong Chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm dù rất độc đáo, đặc sắc và được khai thác từ những tài nguyên bản địa; song chưa thể vươn xa trên thị trường.

Về chế biến, đầu tư sản xuất nông nghiệp nói chung hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào chế biến còn chưa hấp dẫn nên phần lớn các doanh nghiệp lớn còn chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, khó khăn lớn hiện nay là sản lượng, nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến sản phẩm OCOP còn thấp và thiếu ổn định để thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư cho chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Về phân phối, việc liên kết giữa doanh nghiệp phân phối sản phẩm và đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian, bị tư thương lợi dụng thao túng giá cả thị trường, thậm chí “bẻ gãy” chuỗi liên kết một cách dễ dàng nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua của đơn vị trực tiếp sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá Marketting giới thiệu sản phẩm OCOP của các đơn vị còn yếu.

Kênh bán lẻ, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tư vấn khách hàng để nắm được thông tin, chất lượng và những lợi ích mang lại khi tiêu dùng các sản phẩm OCOP chưa chuyên nghiê%3ḅp, bài bản; còn qua nhiều trung gian, tiếp cận thị trường chưa tốt; sản phẩm OCOP ít được đưa vào các kênh phân phối lớn. Bên cạnh đó chưa có sự phản hồi thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ để từ đó tạo ra sản phẩm OCOP đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, để được địa phương và người tiêu dùng công nhận, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; mẫu mã, bao bì đẹp để khẳng định được vị trí, uy tín đối với người tiêu dùng.

Thị trường tiêu thụ, thiếu sức cạnh tranh, lan tỏa, chỗ đứng và tạo nên thương hiệu trên thị trường của sản phẩm OCCOP. Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao nhưng lại chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài; ít được đưa vào các kênh phân phối lớn; chưa tạo được nhiều mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm OCOP; số lượng, chủng loại sản phẩm OCOP xuất khẩu hạn chế; nhiều sản phẩm OCOP có tuổi thọ rất ngắn khi tham gia thị trường.

Nhiều người tiêu dùng hiện nay thiếu thông tin về chương trình, sản phẩm OCOP, bên cạnh đó một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ. Nguyên nhân là do công tác thông tin truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng còn hạn chế.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực