Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre cho biết, hiện đang vào cao điểm của mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long, lượng mưa thấp và ít nên độ mặn trên các kênh rạch tự nhiên hiện nay đã tăng. Đây là thời điểm người dân tập trung thả giống tôm.
Những năm qua, người dân tỉnh Bến Tre đã đầu tư nuôi thả tôm biển cho thu nhập cao, nhiều địa phương đã hỗ trợ và khuyến khích người dân nuôi thả tôm biển theo hướng công nghệ cao. Nhiều mô hình, hình thức sản xuất đạt hiệu quả khá tốt; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm luân vụ, nuôi tôm biển hai giai đoạn với năng suất rất cao, đạt khoảng 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm, đây là hướng mới cho nghề nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Nghề nuôi tôm hai giai đoạn đang phát triển mạnh ở Bến Tre. (Ảnh: NS)
Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, năm 2017, diện tích nuôi thủy sản toàn xã là trên 2.000ha, trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh trên 171ha, diện tích nuôi tôm hai giai đoạn là 30ha. Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn được đánh giá là đạt hiệu quả cao hơn so với cách nuôi truyền thống, giúp hạn chế dịch bệnh và hao hụt con giống, con tôm lớn nhanh. Theo đó, người nuôi tôm cải tạo nâng đáy ao, lót bạt, phủ lưới, đầu tư hệ thống ống dẫn khí, điện và thêm các ao chứa lắng, ao bùn…giúp cho việc quản lý tốt môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng cho vụ nuôi năm 2018, Chi cục Thủy sản tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo các địa phương một số nội dung dành cho các đối tượng nuôi thủy sản nói chung và tôm biển nói riêng.
Theo đó, đối với nuôi tôm biển hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, nên thả giống nuôi ở những vùng có độ mặn thấp hơn 25%o. Cần chủ động nguồn nước ngọt để điều chỉnh độ mặn phù hợp. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm nhằm đón mùa mưa vào tháng 5/2018. Người nuôi tôm biển phải thường xuyên theo dõi thông tin về khí tượng thủy văn, thời tiết, các khuyến cáo, hướng dẫn và thông báo kết quả quan trắc môi trường để có kế hoạch lấy nước vào ao nuôi và ao lắng; theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh trong khu vực để bố trí thời gian thả giống nuôi phù hợp.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển”. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa X ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó con tôm là một trong 8 sản phẩm xác định xây dựng chuỗi giá trị.
Hiện tỉnh Bến Tre đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm biển, với mục tiêu năm 2018 đạt 36.000ha nuôi tôm nước lợ, trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh là 11.500ha. Tiếp tục rà soát, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả cao, trọng tâm là phát triển mạnh hình thức nuôi tôm hai giai đoạn, với mục tiêu phấn đấu trong năm 2018 đạt 500ha, để đưa tổng sản lượng tôm biển đạt hơn 55.000 tấn, đến năm 2020 là 1.200ha nuôi tôm hai giai đoạn và tổng sản lượng tôm biển là 62.000 tấn./.