Bỉm Sơn phát triển nông nghiệp với hướng đi mới

Thứ ba, 02/01/2024 13:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Khi nói đến Bỉm Sơn người ta thường nghĩ đến một thị xã công nghiệp ở ngay cửa ngõ của tỉnh Thanh Hoá với những nhà máy lớn. Nhưng người Bỉm Sơn với đức tính cần cù sáng tạo và đã xây dựng quê hương phát triển toàn diện, trong đó sản xuất nông nghiệp với hướng đi mới đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, diện mạo của vùng nông thôn trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả đó, không thể không kể đến sự chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân thị xã, đặc biệt là sự đóng góp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá và các cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Bỉm Sơn.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bỉm Sơn được thành lập năm 2019, mặc dù còn non trẻ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn mỏng nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, được đào tạo kỹ thuật cơ bản và lối làm việc sáng tạo, mạnh dạn, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã luôn bám sát địa bàn để nắm bắt được các thế mạnh cũng như điểm yếu của sản xuất nông nghiệp địa phương, từ đó có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, chính xác cho bà con trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2023, Trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình, chuyển giao nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi – nuôi trồng thuỷ sản cho nông dân trên địa bàn thị xã. Trung tâm đã chuyển giao quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh cho vật nuôi đầy đủ và sát sao, từng bước giúp người chăn nuôi thực hiện mô hình ổn định, phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Mô hình nuôi vịt CV Super của hộ anh Thìn, phường Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn (Ảnh: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Bỉm Sơn)

Mô hình chăn nuôi vịt trời theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2023 được thực hiện tại phường Lam Sơn với hai hộ gia đình là anh Phạm Văn Đô và hộ gia đình chị Phạm Thị Lan trong năm 2023 đem lại kết quả rất khả quan. Với sự hỗ trợ 50% trong số 1.000 con giống và thức ăn chất lượng cao cho toàn bộ đàn vịt trong suốt thời gian sinh trưởng, sự hỗ trợ kỹ thuật tận tình của cán bộ kỹ thuật đã đem lại kết quả rất tốt. Sau 3 tháng chăm sóc, với tỉ lệ nuôi sống 94%, trọng lượng mỗi con vịt đạt 1,2kg và giá bán khoảng 100 nghìn đồng mỗi con thì người chăn nuôi thu lãi khoảng 40 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.

Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa của gia đình anh Trần Xuân Hạnh thôn 1 xã Quang Trung cũng là một mô hình tiên tiến điển hình của thị xã. Anh Hạnh bắt đầu khởi nghiệp với mô hình này từ năm 2022 trên diện tích 1,25ha đất ruộng lúa của gia đình. Mặc dù vụ nuôi đầu tiên chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng gia đình anh cũng đã thu được khoảng 20 triệu đồng lãi. Nhận thấy nuôi tôm càng xanh xen canh lúa có triển vọng trên đồng đất quê hương, anh Hạnh quyết định mở rộng quy mô nuôi lên 2 vạn con giống. Quá trình nuôi, anh Hạnh nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, con giống từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Bỉm Sơn. Sau 6 tháng nuôi thả, tôm càng xanh đã bước vào giai đoạn thu hoạch, cho năng suất và thu nhập cao. Vụ thu hoạch thứ 2 của năm 2023, anh Hạnh đã xuất bán 4 tạ tôm với giá bán 300 nghìn đồng/kg, ước tính cho nhập khoảng 120 triệu đồng. Theo đánh giá của Trung tâm khuyên nông tỉnh Thanh Hóa, tôm càng xanh xen canh lúa là đối tượng nuôi nước ngọt dễ nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh, sản lượng cao, tận dụng được diện tích canh tác và có khả năng nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã của các huyện trong tỉnh. Hiện nay, sản phẩm tôm càng xanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng nên việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi.

 Anh Trần Xuân Hạnh và những con tôm đã đến kỳ thu hoạch (Ảnh: Quốc Toản)

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hạnh bộc bạch: Để làm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng có được kết quả thành công thì ngoài sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, trung tâm dịch vụ nông nghiệp, người nông dân phải một nắng hai sương trăn trở cùng vật nuôi. Chú ý theo dõi dự báo sự biến động của thời tiết, khí hậu để có những biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho vật nuôi. Có những hôm chúng tôi phải thức thâu đêm để theo dõi vật nuôi, từ động thái di chuyển đến khả năng tiêu thụ thức ăn, chất thải của vật nuôi để điều chỉnh nhiệt độ, thức ăn, nước uống và thuốc phòng bệnh phù hợp, kịp thời.

Từ hiệu quả của các mô hình, ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết thị xã sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, các địa phương phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp và truyên truyền người dân tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp, nhằm đem lại sản phẩm có giá trị hàng hoá cao và bền vững./.

Thanh Huệ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực