|
Bình Dương là "thủ phủ công nghiệp" mỗi năm thu hút hàng triệu người lao động và chuyên gia nước ngoài đến làm việc. |
Bình Dương được xem là “thủ phủ công nghiệp”, mỗi năm thu hút hàng triệu người lao động và nhiều chuyên gia nước ngoài đến đây làm việc. Vì vậy, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân và người lao động (NLĐ) ở tỉnh Bình Dương luôn là vấn đề cấp thiết. Giải quyết vấn đề nhà ở cho các nhóm đối tượng này là giải quyết một vấn đề xã hội lớn nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một xã hội ổn định.
Với mục tiêu xuyên suốt công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với ổn định an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, những năm qua Bình Dương đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp. Giai đoạn 2011 - 2023, Bình Dương trở thành điểm sáng của cả nước trong phát triển NƠXH của cả nước.
Tuy nhiên, sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp kéo theo sự tập trung cư dân từ khắp mọi miền đất nước chuyển về sinh sống và làm việc ngày càng tăng, chính vì vậy nhu cầu về nhà ở tại Bình Dương rất lớn. Dân số toàn tỉnh tính đến năm 2021, ước tính khoảng 2,7 triệu người, tổng số người đang trong độ tuổi lao động khoảng 1,7 triệu với khoảng 1,5 triệu người đang ở nhà thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng. Qua thời gian sinh sống, lao động tại Bình Dương, một bộ phận khá lớn NLĐ có nhu cầu thuê, mua NƠXH nhằm ổn định cuộc sống. Ước tính khoảng 490.000 người có nhu cầu, quỹ đất cần đáp ứng khoảng 1.700 ha.
Trong đó, quỹ đất để phát triển nhà ở do hộ gia đình, cá nhân dự kiến chiếm khoảng 70% (1.200 ha), quỹ đất ở tại các dự án nhà ở thương mại theo định hướng giá thấp khoảng 5% (75 ha) và quỹ đất NƠXH (nhà công nhân, nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị…) khoảng 25% (425 ha). Do đó, UBND tỉnh đã liên tục chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương quy hoạch các dự án NƠXH vào các quy hoạch phát.
Với mục tiêu phát triển NƠXH đáp ứng nhu cầu bức xúc của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển NƠXH đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và kế hoạch phát triển NƠXH Bình Dương giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc bố trí được quỹ đất NƠXH là một trong những chiến lược phát triển nhà ở, nhằm đáp ứng mục tiêu theo hướng công nghiệp - dịch vụ đô thị là một trong những nội dung mà tỉnh rất quan tâm thời gian qua.
Thời gian qua, Bình Dương tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và cũng là địa phương đi đầu về phát triển NƠXH khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn 2011-2020, Bình Dương đã phát triển 40 dự án NƠXH, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với khoảng 60.000 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho 200.000 người. Kết quả tích cực này đã đóng góp rất lớn trong công tác chăm lo an sinh xã hội của cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng”.
|
Nhiều công ty nước ngoài đầu tư khu ký túc xá khang trang, sạch sẽ, đủ tiện nghi cho người lao động sinh sống. |
Theo dự báo, nhu cầu nhà ở xã hội ở Bình Dương còn rất lớn do số người nhập cư, sẽ tăng lên; số đối tượng là cán bộ, công chức trẻ, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp chưa đủ khả năng mua đất, cất nhà còn nhiều. Do tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nên hiện nay dân số tỉnh Bình Dương đã khoảng 2,6 triệu người (tăng 200.000 người trong 2-3 năm gần đây) và dự báo đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 3,5 triệu người nên Bình Dương nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở cho dân cư, nhất là NƠXH.
Theo Sở Xây Dựng tỉnh Bình Dương, hiện tỉnh vẫn đang còn khoảng 1 triệu công nhân, NLĐ buộc phải ở nhà trọ tạm bợ, dù tốn một phần thu nhập đáng kể nhưng lại thiếu tiện nghi, rất khao khát được an cư. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đang rất quyết tâm đáp ứng nhu cầu an cư cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển mảng NƠXH. Cụ thể, năm 2023, Bình Dương sẽ phát triển thêm 600.000m2 sàn nhà ở, tương đương 18.000 căn với vốn đầu tư 23.490 tỷ đồng, trong đó, vốn NƠXH và nhà tái định cư là 3.803 tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu này, trước hết, tỉnh cần huy động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở xã hội với số lượng, chất lượng tốt hơn. Trong đó, cần xác định vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhất là vai trò của các doanh nghiệp nhà nước đối với vấn đề giải quyết nhà ở cho người lao động…
Bên cạnh đó cần tháo gỡ về chính sách và kiến tạo những chính sách đột phá, mang tính hỗ trợ thiết thực hơn cho các bên liên quan; ưu tiên dành quỹ đất sạch cho xây dựng NƠXH ở những vị trí thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị…/.