Bình Dương không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý

Thứ hai, 09/12/2024 09:53
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân...
Ảnh minh họa: PV 

UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 6762/KH-UBND bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân những tháng cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và cả năm 2025 bao gồm 05 nhóm hàng hóa: Lương thực (gạo, nếp…); thực phẩm công nghệ (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, mì gói, bánh mứt, kẹo…); thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt, rau củ, quả…); thực phẩm chế biến (giò lụa, lạp xưởng, xúc xích....); mặt hàng xăng dầu; thuốc trị bệnh cho người.

Tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 13.725 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh), trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 khoảng 2.750 tỷ đồng. Riêng đối với mặt hàng thịt heo, duy trì lượng dự trữ tối thiểu 6.000 tấn/tháng đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Tham gia chương trình dự trữ hàng hóa thiết yếu năm 2025 đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu sau thiên tai, dịch bệnh và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có 17 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tổ chức khu vực bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện hữu. Ngoài ra, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thực hiện bán hàng lưu động tại các chợ dân sinh, khu - cụm công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực nông thôn và các huyện phía Bắc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham gia các phiên chợ vui của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các chương trình Hội chợ triển lãm thương mại, Lễ hội hoa xuân… trong dịp Tết Nguyên đán.

Thời gian bán hàng lưu động từ 1-2 ngày/lần bán, các mặt hàng phải đa dạng, phong phú. Các doanh nghiệp phải tổ chức tuyên truyền và treo băng - rôn "Điểm bán hàng bình ổn thị trường" tại các điểm bán để người dân biết và tham gia mua hàng.

Sở Công Thương phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các Phiên chợ vui của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để đưa hàng hóa đến vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp. Chương trình phải có sự gắn kết với việc bán hàng bình ổn thị trường và sản phẩm, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân kết hợp có các chương trình văn nghệ lành mạnh phục vụ miễn phí cho người dân đến tham quan và mua sắm tại mỗi phiên chợ. Trong mỗi phiên chợ ít nhất từ 20-25 doanh nghiệp với 30-45 gian hàng do các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh tham gia.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân...

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực