Bình ổn giá cả vào dịp Tết: Cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành

Thứ tư, 27/01/2010 14:00

(ĐCSVN)Mỗi khi Tết Nguyên đán đến gần, các cơ quan chức năng thường đưa ra các giải pháp nhằm bình ổn giá thị trường trước, trong và sau Tết. Song, cứ tới gần Tết giá cả các mặt hàng lại bắt đầu leo thang, bất chấp các nỗ lực bình ổn giá của các cơ quan quản lý, điệp khúc: Tết đến giá lên lại bắt đầu…

 

 Giá cả các mặt hàng luôn là điều
người tiêu dùng quan tâm (Ảnh: TTO)

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính đã liên tục có văn bản yêu cầu các bộ, ngành chức năng có các biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường trước và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-BCT yêu cầu các sở công thương và lực lượng quản lí thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm bình ổn giá cả, thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng vừa ký chỉ thị yêu cầu giám đốc các sở tài chính chủ trì theo dõi sát tình hình giá cả, kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá khi cần thiết, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá tại các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan khiến giá tăng, gồm: Giá thị trường thế giới tăng, sức mua trong nước phát triển mạnh và dịch bệnh gia súc phức tạp; giá vật tư đầu vào điện, xăng, than tăng và một phần thị trường hàng tiêu dùng bị lũng đoạn khiến cho việc giá cả nhảy vọt vào dịp tết là điều khó tránh khỏi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo tồn kho của cả nước hiện khoảng 1,5 triệu tấn, trong khi miền Nam đã bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân từ nay cho đến cuối tháng 3.Do vậy, chắc chắn sẽ không xảy ra đột biến về nguồn cung mặt hàng gạo. Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cũng khả quan do năm nay ít xảy ra dịch bệnh. Trong cả nước, lượng thịt bò tăng 14%, gia cầm tăng 12%, thịt heo tăng 14,5%... so với năm ngoái.

Tuy nhiên, do thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng nên giá thịt cũng sẽ có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, giá đường cũng sẽ tăng do giá thế giới đang ở mức cao và cả nước đang phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn…

Để giải quyết bài toán tăng giá, có một số cách làm đã được các chuyên gia đề cập, đó là: Tăng cường công tác tích trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các đơn vị, tổ chức và cá nhân có biểu hiện đầu cơ, găm giá nhằm trục lợi; đồng thời phát các chợ đầu mối và chợ vùng sâu, vùng xa. Tăng cường khả năng bán lẻ của các tập đoàn và các doanh nghiệp để hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Phát triển hạ tầng thương mại để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ và hạn chế khả năng lũng đoạn giá của giới tư thương.

Bên cạnh các biện pháp nêu trên, cần có sự ra quân và kết hợp hiệu quả của các “binh chủng” như: Quản lý thị trường; ngành Công thương, ngành Tài chính, ngành Thông tin – Truyền thông và ngành Giao thông vận tải, nếu các đơn vị này kết hợp với nhau nhuần nhuyễn, việc kiểm soát gía cả và chất lượng hàng hóa ở các địa phương sẽ hiệu quả và ổn định hơn rất nhiều.

Tết đến gần cũng là lúc ngành Công thương phải tích cực đẩy mạnh việc rà soát, kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp được phân công tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết về tiến độ thực hiện, số lượng hàng hóa thiết yếu cần dự trữ; nắm rõ tình hình giá cả, diễn biến cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm; phối hợp với ngành thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí trên địa bàn thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và ủng hộ các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước; đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Bên cạnh đó, ngành tài chính cần phối hợp các lực lượng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá, bán hàng hóa, dịch vụ; kiểm tra việc thu các loại phí dịch vụ, việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết và công khai thông tin về giá hàng hóa.

Nhưng quan trọng hơn cả, các địa phương cần chú trọng các biện pháp tạo nguồn hàng, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; kiểm soát thị trường, phát hiện kịp thời các hiện tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa qua kiểm dịch. Có như vậy, chúng ta mới phần nào hy vọng việc kiểm soát và bình ổn giá và dịp cuối năm hiệu quả và phần nào phát huy tác dụng, qua đó giúp người tiêu dùng không phải trả giá cao hơn cho các mặt hàng cần sử dụng của mình./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực