Bình Phước: Phát triển 18 sản phẩm thế mạnh tham gia chương trình OCOP

Thứ tư, 22/09/2021 15:13
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh xác định và đăng ký phát triển 18 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
 Chăm sóc bưởi da xanh ở Bình Phước. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Trong đó, nhóm thực phẩm có 11 sản phẩm; nhóm thảo dược có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất có 1 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 5 sản phẩm. Về công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP: Có 8 - 10 sản phẩm đạt hạng 4, hạng 5 sao, trong đó 4 - 5 sản phẩm chất lượng cao đạt hạng 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết thêm, trong giai đoạn 2026 – 2030, Bình Phước phấn đấu tất cả các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển 50 sản phẩm trong giai đoạn này. Về công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP: Có 10 - 15 sản phẩm đạt hạng 4, hạng 5 sao; trong đó 5 - 8 sản phẩm chất lượng cao hạng 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Việc thực hiện đề án nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Đề án cũng nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Về phát triển nguồn nhân lực, Bình Phước phấn đấu tất cả các cán bộ quản lý nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn chỉ đạo, điều hành Chương trình, 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh. Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Duy trì chu trình OCOP thường niên, theo đó chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện. Hàng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 - 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chương trình OCOP.

Tỉnh Bình Phước cũng xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP, đó là hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến cấp huyện, theo hướng gọn nhẹ để triển khai chu trình OCOP thường niên của tỉnh. Ban hành chính sách riêng cho Chương trình OCOP; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP. Xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản; thương hiệu sản phẩm OCOP Bình Phước được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đảm bảo tất cả các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn đều tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển 50 sản phẩm trong giai đoạn này. Công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP: Có 10 - 15 sản phẩm đạt hạng 4, 5 sao; trong đó 5 - 8 sản phẩm chất lượng cao đạt hạng 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về phát triển các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, Bình Phước cũng đảm bảo tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển mới khoảng 33 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, tạo ra khoảng 33 sản phẩm mới tham gia OCOP vào năm 2030. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Áp dụng bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP là ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình ở Bình Phước đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, các đơn vị cũng nỗ lực sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chí về an toàn cho người tiêu dùng, môi trường được đảm bảo, đặc biệt hàm lượng hữu cơ được tăng cường.

Dựa vào Bộ tiêu chí đánh giá OCOP, huyện Bù Đốp đã chọn 7 sản phẩm tham gia gồm: Mít ruột đỏ, dê an toàn, bưởi da xanh, hồ tiêu, nhung hươu, vú sữa Hoàng Kim, hạt điều chất lượng cao. Đây là những sản phẩm phát triển dựa trên việc sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương. Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX TMDV Phước Thiện huyện Bù Đốp cho biết, sản phẩm của Hợp tác xã hiện đã có chỗ đứng trên thị trường. Hợp tác xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp ngành để chứng nhận sản phẩm độc quyền của địa phương. Đồng thời mở rộng thị trường hướng đến sản xuất bền vững.

Được biết, trong 5 năm tới, nền nông nghiệp Bình Phước phát triển với 3 nhiệm vụ trọng tâm: tạo vùng nguyên liệu; chế biến; hình thành liên kết chuỗi giá trị. 3 ngành trọng điểm: chăn nuôi; trồng trọt; lâm nghiệp. 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (lợn, gà); hạt điều; sản phẩm từ gỗ. 3 giải pháp hỗ trợ khởi điểm: quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành hàng năm đạt 5-6%.

Trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ quy hoạch điều chỉnh lại vùng trồng cây chuyên canh, trong đó có cây tiêu để tăng giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất trong vùng quy hoạch về vốn, kỹ thuật, tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả và làm cơ sở hình thành chuỗi liên kết. Quy hoạch vùng chăn nuôi hướng đến an toàn dịch bệnh, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi sạch phải từng bước chi phối toàn ngành chăn nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giết mổ gia súc, gia cầm. Đảm bảo hoạt động giết mổ theo đúng quy trình, 100% thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường có kiểm soát thú y. Xây dựng thương hiệu 3 sản phẩm xuất khẩu chủ yếu để tăng nhanh số lượng và kim ngạch xuất khẩu./.

B.Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực