Bình Thuận: Doanh thu du lịch bình quân tăng 18%/năm

Thứ năm, 05/11/2020 07:52
(ĐCSVN) – Với quyết tâm và nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phù hợp điều kiện tình hình địa phương để khai thác hiệu quả tiềm năng, đến nay du lịch Bình Thuận đã cho thấy đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 Đồi cát- địa điểm du lịch hấp dẫn du khách ở Bình Thuận. (Ảnh: K.V)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn toàn tỉnh này có gần 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số hơn 16.100 phòng, đã có 79 cơ sở lưu trú được xếp hạng với 5.754 phòng. Các cơ sở lưu trú du lịch ngày càng chú ý đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng các dịch vụ giải trí, ăn uống nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Để tạo nên sản phẩm du lịch đa dạng và đặc sắc, ngoài thế mạnh du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao, sinh thái khám phá đồi cát, các cấp, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và khai thác thêm các sản phẩm văn hóa, nhất là văn hóa Chăm, du lịch gắn với cộng đồng, làng nghề, du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội… Cùng với đó, Bình Thuận chú trọng liên kết vùng với tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, để tạo ra những tour, tuyến du lịch đặc trưng, mang tính liên kết vùng như: Hoa Đà Lạt - Chợ Bến Thành - Biển Mũi Né,...

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng đối với 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành du lịch của Bình Thuận là thu hút khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch luôn duy trì ở mức cao. Lượng khách du lịch tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2015 – 2020 tăng 10% đến 12%/năm. Doanh thu du lịch tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2015 – 2020 tăng 18%/năm; đến năm 2020, thu hút 7 triệu lượt khách, đóng góp 10% GRDP của tỉnh. Cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn mới, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục thực hiện chiến lược và định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với quyết tâm và nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phù hợp điều kiện tình hình địa phương để khai thác hiệu quả tiềm năng, đến nay du lịch Bình Thuận đã cho thấy đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh này. Được biết, Bình Thuận có bờ biển dài 192 km với nhiều bãi tắm đẹp và đồi cát trắng hoang sơ.

Tận dụng lợi thế đó, Bình Thuận định hướng thúc đẩy du lịch phát triển xứng tầm và cụ thể hóa bằng nghị quyết phù hợp từng giai đoạn. Đặc biệt ngay đầu giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch đến năm 2020 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Quan điểm của địa phương là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm trọng điểm và chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng lẫn hiệu quả, khẳng định thương hiệu cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh…

Giữa giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể có vị trí nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP Phan Thiết) với quy mô 14.760 ha, riêng diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch khoảng 1.000 ha… Khu du lịch quốc gia này sẽ được tập trung phát triển chiều sâu và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan. Đồng thời chú trọng chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác cũng như phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch. Hướng đến tạo bước đột phá đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.

Khách du lịch dọn vệ sinh tại một khu nghỉ ở Mũi Né- Bình Thuận. (Ảnh: K.V) 

Đây thực sự là động lực mới để du lịch Bình Thuận vươn lên xứng tầm khu du lịch quốc gia với mục tiêu đón 9 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt tổng doanh thu 24.000 tỷ đồng vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né tiếp tục hướng tới cột mốc đón 14 triệu lượt khách (có 2,5 triệu lượt khách quốc tế) và đạt doanh thu từ du khách khoảng 50.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận vẫn xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); Du lịch biển, giải trí, thể thao biển; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó sẽ thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển, tiếp tục khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với thương hiệu điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng.”

Tính đến nay, trên địa bàn Bình Thuận có 387 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.249 ha và tổng vốn đầu tư 69.845 tỷ đồng (trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 11.230 tỷ đồng), hiện 187 dự án đã đi vào hoạt động. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, địa phương bắt đầu đón nhận những dòng đầu tư mới từ các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trên lĩnh vực du lịch. Đó là các Tập đoàn FLC, Novaland, TMS, TTC... với tổng vốn đăng ký của mỗi dự án trên 10.000 tỷ đồng, quy mô từ 500 ha trở lên./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực