|
Trồng dưa theo công nghệ cao ở Bình Thuận. (Ảnh: Báo Bình Thuận) |
Ngoài ra, tỉnh còn có 10 doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô lớn, công nghệ cao, hiện đại…
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới Bình Thuận sẽ nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao. Các vùng sản xuất tập trung và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dự kiến lựa chọn trong thời kỳ tới là tỉnh sẽ xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh.
Cũng theo ông Mai Kiều, Bình Thuận đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung, cụ thể, vùng trồng lúa chất lượng cao bố trí tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh, vùng sản xuất giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng tại huyện Hàm Thuận Bắc. Vùng trồng thanh long, sẽ ổn định diện tích cây thanh long trên toàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 30.000 ha. Vùng phát triển thanh long tập trung chính ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình. Định hướng hình thành vùng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 20.000 - 22.000 ha, chiếm khoảng 70 - 75% diện tích. Đặc biệt, vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.500 ha tại các huyện Hàm Thuận Nam 2.000 ha, Hàm Thuận Bắc 1.300 ha, Bắc Bình 200 ha. Cùng với đó, đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thanh long với quy mô 52 ha tại Trạm thực nghiệm xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam.
Vùng trồng rau an toàn, phát triển sản xuất rau, củ, quả thực phẩm theo hướng VietGAP phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Phát triển vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô khoảng 1.200 ha, trong đó vùng tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh với quy mô khoảng 200 ha. Ngoài trồng trọt, tỉnh phát triển vùng chăn nuôi tập trung, với việc phát triển chăn nuôi bò (bò thịt, bò sữa) theo hướng trang trại, tập trung tại Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Định hướng đến năm 2030 hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam 500 ha và thị xã La Gi 300 ha…
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, Bình Thuận sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng để đáp ứng yêu cầu ứng dụng được cơ giới hóa, vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ chế, chính sách, thủ tục, tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ngoài ra, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Phát huy hiệu quả công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm hướng đến sản xuất công nghệ cao và vùng sản xuất tập trung trong thời gian tới.
Được biết, những năm qua tại Bình Thuận đã từng bước thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị theo hướng hiện đại hướng dần tới phát triển xanh, bền vững. Tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế xanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Theo đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năm 2021, công nghiệp - xây dựng chiếm 35,34%; dịch vụ chiếm 32,92%; nông - lâm - thủy sản chiếm 31,74%.
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Bình Thuận vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; phát triển chưa nhanh, chưa xanh, chưa bền vững; thậm chí có những tồn tại, yếu kém... Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận phải làm tốt 5 nhóm giải pháp, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của một tỉnh có nền kinh tế xanh, nhanh, bền vững, trước mắt là cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế, khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường cụ thể là: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trong ứng phó biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi từng vùng gắn với việc sử dụng đất một cách linh hoạt và hiệu quả, nâng cấp hệ thống đê điều, đê bao chắn sóng, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, tăng diện tích rừng trồng. Đối với công nghiệp là khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí và khí thiên nhiên...). Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều nước trên thế giới đang hướng tới. Để có hướng đi bền vững, lãnh đạo tỉnh nhà cần có một kế hoạch tổng thể làm cơ sở cho các ý tưởng phát triển xanh được đi vào hoạt động./…