|
Một địa điểm du lịch của tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Báo Bình Thuận) |
Theo đó, đề án hướng đến góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, bền vững và an toàn gắn với an ninh chính trị, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Trong đó ưu tiên phát triển loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận.
Đồng thời thu hút du khách đến địa phương nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần hơn, tăng doanh thu du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra còn thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào du lịch của tỉnh nhằm khai thác, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch…
Đề án này cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản và tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát... Từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11,4 triệu lượt khách vào năm 2025 (trong đó khách quốc tế chiếm 10%), doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10%.
Đến năm 2030 tập trung đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo: Du lịch chăm sóc sức khỏe (WELLNESS), du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch nghiên cứu, tham quan TP. Phan Thiết (City tour)… Cùng với đó phấn đấu tăng lượng khách du lịch lên 23,3 triệu lượt (riêng khách quốc tế chiếm 15%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 70.100 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 12%.
Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đề ra định hướng, nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp thực hiện. Trong đó có tính đến giải pháp về: Cơ chế, chính sách; Cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá; Bảo vệ môi trường tài nguyên, an ninh an toàn; Xây dựng các sản phẩm du lịch; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đầu tư nâng cao cũng như quản lý chất lượng loại hình, sản phẩm du lịch.
Về tổ chức thực hiện đề án có sự tham gia của nhiều sở ngành, đơn vị, hiệp hội ngành nghề liên quan và UBND cấp huyện. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chủ trương phát triển du lịch, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch. Đóng góp ý kiến cho các dự án quy hoạch phát triển du lịch, thực hiện chương trình quảng bá tuyên truyền du lịch, quản lý hành chính trong phạm vi thẩm quyền đối với hoạt động kinh doanh du lịch, cùng các sở ban ngành thẩm định dự án đầu tư, năng lực của chủ đầu tư…/..