Ảnh minh họa. (Nguồn: K.D)
Theo đó, công văn yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường.
Sở Công Thương cũng cần chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý. Thực hiện tốt công tác truyền thông khi các doanh nghiệp triển khai, thu mua, kết nối tiêu thụ nhằm tạo định hướng cho thị trường.
Với các Hiệp hội ngành hàng, cần phổ biến, cung cấp thông tin kịp thời tới các đơn vị thành viên trong hiệp hội về các biện pháp, các hoạt động nhằm tổ chức thu mua, đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, tích cực tham gia vào các hoạt động kết nối, thu mua, chế biến, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn của các địa phương trên cả nước.
Các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động kết nối thu mua, chế biến, tiêu thụ thịt lợn cho các vùng sản xuất chăn nuôi lợn thịt.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tích cực, khẩn trương phối hợp triển khai các biện pháp nêu trên; thường xuyên có báo cáo về tình hình và kết quả triển khai gửi Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, số điện thoại 04.22205359 - Email: trungdt@moit.gov.vn) để nắm chung tình hình và có chỉ đạo xử lý kịp thời./.