Các ngân hàng đẩy mạnh áp dụng ESG trong hoạt động

Thứ năm, 25/07/2024 22:44
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có khoảng 80%-90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ việc thực hành môi trường - xã hội - quản trị (ESG) trong hoạt động. Và, có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.
Hình ảnh tại Toạ đàm (Ảnh: MP) 

Ngày 25/7 tại Hà Nội, Thời báo Ngân hàng tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng".

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn – Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống người dân. Vì vậy thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính... Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện cam kết đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hành ESG là một yêu cầu bắt buộc. Với vai trò trung gian tài chính, cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt Nam áp dụng ESG vào hoạt động thực tiễn để hướng tới thông điệp chung tay vì sự phát triển bền vững.

“Đây được xem là giải pháp mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cũng như nâng cao uy tín, vị thế của mình cả trong nước và quốc tế”, bà Nhàn nhận định.

Nhận thức tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, hoạt động tín dụng xanh và phát triển bền vững. NHNN cũng đã phối hợp với IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội cho 15 ngành kinh tế có rủi ro môi trường và xã hội cao nhất...

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng, nỗ lực đầu tư cho vay tín dụng xanh…

Theo thống kê của NHNN, đã có khoảng 80%-90% các ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động. Có tới gần 50% các ngân hàng khác thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường. Một số ngân hàng cũng đã ban hành “Khung tín dụng xanh”, “Khung khoản vay bền vững” nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lí nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Không ít TCTD đã công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Đến nay đã có 47 TCTD báo cáo phát sinh dư nợ tín dụng xanh, đạt gần 640.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. Đã có 34 TCTD báo cáo đã thực hiện đánh giá rủi ro với dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội, đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng dư nợ nền kinh tế. 

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, việc ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn ESG mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế và chính bản thân ngân hàng. Đối với nền kinh tế, ngân hàng có thể mang lại những tác động tích cực cho môi trường và xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế hướng tới phát triển bền vững thông qua việc ưu tiên dành các chính sách tài trợ ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện tốt các vấn đề ESG, hạn chế tài trợ cho các dự án có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của các cơ chế quản trị ESG trong hoạt động tín dụng cũng được xem là có khả năng định hướng cho các nhà sản xuất, các nhà đầu tư đến phát triển bền vững…

Đối với ngân hàng, việc thực hành các tiêu chuẩn ESG mang lại nhiều lợi ích nâng cao uy tín, mở rộng thị phần; tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro, giảm chi phí vận hành do tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu; giảm áp lực pháp lý, thu hút được nguồn vốn ưu đãi từ tổ chức quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư…

Mặc dù vậy, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định: Việc triển khai ESG còn nhiều thách thức. Đó là, chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm cơ sở TCTD xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh. Thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành về ESG. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng, khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng; đồng thời phát sinh thêm chi phí cho các TCTD phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng cường năng lực chuyên môn cán bộ ngân hàng về tài trợ dự án xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định. Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ các-bon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược về ESG của các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) là rào cản lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững và thực hành ESG tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tác động đến hiệu quả hoạt động cấp tín dụng, quản lỷ rủi ro của TCTD...

Trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo thống kê hoạt động tín dụng đối với Danh mục phân loại xanh quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. NHNN sẽ hướng dẫn các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình TCTD triển khai, thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực quốc tế để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam. Tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao năng lực cho các TCTD trong triển khai công cụ tài chính xanh hiệu quả.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực