Các thách thức đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh

Thứ năm, 17/10/2024 18:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 17/10 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp Đại học Quốc gia Australia (ANU) tổ chức khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 7 với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2024).

Kinh tế số có thể là động lực tăng trưởng mới quan trọng

CIEMB 2014 là hội nghị quốc tế lớn nhất được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên, nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận và công bố những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, quản trị và kinh doanh.

170 bài báo từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước đã được gửi tới hội nghị. Khoảng 91 bài báo đã được chọn để trình bày trong 21 phiên họp song song trong các lĩnh vực kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, tiếp thị, du lịch, kinh tế vi mô và các lĩnh vực khác.

GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc (Ảnh: PV)

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: Với truyền thống định hướng nghiên cứu mạnh mẽ và các chương trình giáo dục toàn diện, NEU ưu tiên hợp tác học thuật, xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong nước và quốc tế cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Mỗi năm, các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế của NEU thu hút các học giả, nhà nghiên cứu và học viên nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới. Những trao đổi này tạo cơ sở cho sự hợp tác liên tục, dựa trên các giá trị học thuật vững chắc và các ứng dụng hoạch định chính sách có tác động mạnh mẽ.

Nhân dịp này, Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương bày tỏ hy vọng CIEMB 2024 lần thứ 7 sẽ là cơ hội tuyệt vời để các nhà nghiên cứu, học viên và nhà hoạch định chính sách chia sẻ những phát hiện mới nhất của họ và hình thành các cuộc đối thoại về các nghiên cứu đang diễn ra. GS.TS Phạm Hồng Chương cho biết: "Các bài báo từ hội nghị sẽ có cơ hội được xuất bản trên các ấn phẩm tạp chí liên minh được lập chỉ mục ISI và SCOPUS. Chúng tôi sẽ có một Ấn bản đặc biệt cho hội nghị với Tạp chí Kinh tế & Phát triển (Scopus). Chúng tôi cũng đã đẩy nhanh quá trình biên tập với các tạp chí liên minh sau: Asian-Pacific Economic Literature (SSCI), Economic Modelling (SSCI), Economic Analysis and Policy (SSCI), Finance Research Letters (SSCI) và Review of Behavioral Finance (ESCI)".

 Tặng hoa và trao chứng nhận cho các diễn giả chính tham dự (Ảnh: PV)

Tại hội nghị, các đại biểu đã có dịp được lắng nghe các chia sẻ của GS Paul Burke, từ Đại học Quốc gia Úc với phần trình bày về “Cơ hội năng lượng không carbon ở châu Á - Thái Bình Dương”; TS Dorsati Madani, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích về nền kinh tế và triển vọng của Việt Nam; GS Peter J. Morgan, Viện ADB trao đổi về “Kiến thức tài chính và sử dụng công nghệ tài chính trong các doanh nghiệp gia đình: Bằng chứng từ các nước đang phát triển ở châu Á”.

Đồng thời, hội nghị còn được tiếp cận với các nghiên cứu với chuyên đề “Du lịch và Giải trí trong Kỷ nguyên mới” qua phần giới thiệu, chia sẻ của PGS. Anna Kwek đến từ Đại học Griffiths, Úc với bài báo “Điều hướng xu hướng du lịch mới nổi và thảm họa thiên nhiên sau cơn bão Yagi” cùng GS. Tom Baum, Đại học Strathclyde, Vương quốc Anh, với bài báo “Rút kinh nghiệm như một hướng dẫn để lập kế hoạch cho tương lai của công việc và việc làm trong ngành du lịch ở Đông Nam Á”.

Phiên toàn thể tại Hội trường lớn (Ảnh: PV) 

Hội nghị đã đem đến những hiểu biết sâu sắc có giá trị được chia sẻ bởi các diễn giả chính và diễn giả được mời, cùng tất cả những người thuyết trình, qua đó góp phần cung cấp một cái nhìn khái quát và sâu sắc hơn về những thách thức đương đại trong kinh tế, quản lý và kinh doanh.

Đề cập tới xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu, GS. Peter J. Morgan, Viện ADB lạc quan khi cho rằng nền kinh tế thế giới không quá tệ với các minh chứng, nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh, châu Âu có lẽ đang phát triển chậm hơn đôi chút, trong khi Trung Quốc đang gặp vấn đề về đất đai và bất động sản. ”Tôi không thấy có suy thoái kinh tế toàn cầu hay điều gì tương tự. Do đó, nếu Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết và hợp lí, thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển tương đối ổn” - GS. Peter nói.

Sẽ có nhiều phiên song song sau lễ khai mạc, diễn ra trong chiều 17 và ngày 18/10 tại NEU (Ảnh: PV) 

Cũng theo GS. Peter, Việt Nam đang có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt tạo tiền đề cho thương mại phát triển. Mặc dầu vậy, trước mắt, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng. Trong khi sự cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết, Việt Nam cần đầu tư mạnh tay hơn để có thể tham gia vào cuộc đua đó. Chẳng hạn, lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh và Việt Nam đang không theo kịp được với tốc độ đó. Để giải quyết vấn đề đó, nền tảng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt với những cơ sở giáo dục như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhiệm vụ của giáo dục là cải thiện chất lượng nhân lực thông qua những khía cạnh rất quan trọng như nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hoá. Gợi ý về việc để có thể vượt qua bẫy thu nhập thấp, GS. Peter đề xuất Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, có môi trường kinh tế khá tương đồng, theo đó, cân nhắc cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hoá, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực...

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 17 - 18/10 tại Hội trường NEU. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên và năm nay là năm thứ 7 của chuỗi hoạt động này.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực