|
Các tỉnh ĐBSCL tập trung tích trữ nước ngọt. (Ảnh: K.V) |
Cụ thể, vùng thượng nguồn nước thuận lợi, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang). Vùng giữa nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.
Vùng ven biển xâm nhập mặn có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là tại các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam (tỉnh Bến Tre); huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng)…đồng thời, cần đề phòng mặn còn cao trở lại các kỳ triều cường 3 - 8/4, 18 - 22/4 và 2 - 7/5.
Khả năng mặn xâm nhập sâu thêm trên các cửa sông chính trong thời gian trên nhưng ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, các địa phương chủ động tích trữ nước và hạn chế sử dụng nước trong thời gian này. Ngay từ sớm Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch về phòng, chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022 - 2023. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, UBND các huyện, thành phố khảo sát hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa những công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 33 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2022 - 2023.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, chuẩn bị phương án ngăn mặn tạm thời trong trường hợp các cống không kịp hoàn thành trước mùa khô năm 2022-2023. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có phương án ngăn mặn đối với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (khi cần thiết).
Cùng với việc thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh còn chuyển tiếp thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã và thông qua trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) về phòng chống thiên tai để người dân biết, ứng phó. Lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
|
Nhiều hộ dân ở ĐBSCL chủ động nạo vét, khơi thông dòng chảy để tích trữ nước ngọt. (Ảnh: K.V) |
Cùng đó, việc nạo vét các ao chứa nước thô được chú trọng nhằm tăng lượng dự trữ nước ngọt phục vụ vận hành cấp nước; tổ chức đo kiểm tra độ mặn tại các nhà máy để có kế hoạch lấy nước hợp lý phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong giai đoạn xâm nhập mặn…
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền. Phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết để chủ động ứng phó. Tinh thần tích cực, khẩn trương, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn, xâm nhập mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2023.
Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Nhan dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, đề án, chiến lược phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt để chủ động đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn.
Đặc biệt, các địa phương phía đông của tỉnh phải chủ động lập kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, cháy rừng vào mùa khô 2022 - 2023. Cụ thể cho từng vùng, từng khu vực dự án, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.
Tại vùng ngọt hóa Gò Công Tiền Giang, diện tích xuống giống lúa đông xuân hàng năm khoảng 28.000ha. Theo bà Lưu Thị Hồng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông, toàn huyện có 12.380 ha cây trồng cần được bảo vệ tránh bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, gồm 8.720 ha lúa đông xuân, 2.700 ha hoa màu, 960 ha vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, trên 38.600 hộ (khoảng trên 140.000 người) cần được đảm bảo nguồn nước sinh hoạt mùa khô. Sau khi thu hoạch dứt điểm vụ đông xuân sẽ tiếp tục trữ nước trên kênh, rạch để tiếp tục phục vụ tưới cho rau, màu, cây ăn trái và nước sinh hoạt dân sinh.
Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi rà soát gia cố, sửa chữa kịp thời những cống qua đê không đảm bảo ngăn mặn. Theo dõi chặt chẽ tình hình nguồn nước, thường xuyên tổ chức trục vớt lục bình, rong cỏ, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch. Tổ chức đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến kênh nội đồng nhất là khu vực ven đê biển, đê cửa sông. Thường xuyên thông báo lịch vận hành công trình và diễn biến tình hình mực nước, xâm nhập mặn để người dân biết chủ động nguồn nước.
Đối với nước sinh hoạt, huyện tổ chức mở 35 vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để cho nhân dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí. Đồng thời, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô./…