Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản

Thứ ba, 10/12/2019 17:40
(ĐCSVN) - Dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt từ 10 - 10,5 tỷ USD. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
leftcenterrightdel
 Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu (Ảnh: TTXVN).

11 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta ước đạt 7,93 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vì vậy, việc thúc đẩy thị trường xuất khẩu, thực hiện tốt mục tiêu ngành thủy sản năm 2019 và những năm tới đang được xem là giải pháp cấp thiết.

Cơ hội đan xen thách thức

Hiện nay, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản nước ta diễn ra trong bối cảnh trên thế giới xu thế hình thành các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đang tiếp tục được đẩy mạnh. Xu hướng bảo hộ tiếp tục gia tăng, cùng với việc các nước thúc đẩy quá trình đàm phán cải tổ hệ thống thương mại đa phương.

Đặc biệt, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến sự phát triển của kinh tế thế giới.

Trước tình hình trên, thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh. Cùng với đó là các rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại như: thuế chống bán phá giá, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt, quy tắc xuất xứ,… đang đặt ra những khó khăn cho xuất khẩu sản phẩm thủy sản.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ của một số quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… đối với thủy sản Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Những thách thức, khó khăn là vậy nhưng vẫn còn một số “điểm sáng” cho xuất khẩu sản phẩm thủy sản nước ta. Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những cơ hội để nắm bắt, tận dụng. Trong đó, đa số các mặt hàng thủy sản sẽ cắt giảm thuế về 0% ngay khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, một số ít các sản phẩm giảm theo lộ trình 3-10 năm. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với các quốc gia chưa có FTA với các đối tác.

Cùng với đó là việc thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu nhờ thuế nhập khẩu giảm hoặc về 0%; đồng thời, được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn thông qua việc cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA.

Tận dụng lợi thế từ các FTA

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt từ 10 - 10,5 tỷ USD. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng, cần cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Song hành với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, cần tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu thủy sản sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu, Nga,…; đồng thời, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA, CPTPP. Hơn nữa, chúng ta cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Để đạt được các kết quả trên, cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; thanh, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Hiệp hội VASEP và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần nắm vững cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do để thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới. Tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tại thị trường các nước tham gia FTA. Đào tạo, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ để doanh nghiệp chuẩn bị và ứng phó với các tranh chấp thương mại. Tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA; tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan. Mặt khác, chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực