Cam kết Net Zero – một quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia

Thứ sáu, 05/01/2024 17:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Việc Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia và vừa sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này.

 TS Vũ Tiến Lộc - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Ảnh: VA)

Quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững

Phóng viên: Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

TS Vũ Tiến Lộc: Phát triển bền vững là vấn đề sống còn, quyết định vận mệnh của nền văn minh nhân loại trong kỷ nguyên mới. Thực tế, Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này từ khá sớm. Trước khi hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào năm 2015 thông qua chương trình Nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 thì Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, với quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện đường lối của Đảng và chương trình Nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển bền vững 2011 - 2020, chương trình hành động quốc gia, lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đã xác định mô hình phát triển là kinh tế xanh, xã hội xanh, lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hoá quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bình đẳng, bao trùm, nâng cao khả năng chống chịu.

Tại COP 28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Đây là mục tiêu tiên phong, tương đồng các nền kinh tế có trình độ phát triển cao trên thế giới; mặc dù, Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển. Đây là tầm nhìn mang tính thời đại, một quyết tâm chính trị rất cao, phù hợp trào lưu thế giới, vì lợi ích quốc gia và vừa sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, nên Việt Nam đi tiên phong trong việc cam kết thực hiện các mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cũng là hợp lẽ.

Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?

TS Vũ Tiến Lộc: Nhờ vào quyết tâm của Đảng, Nhà Nước và các chính sách, chiến lược đã được vạch ra, Việt Nam đã đạt được một số thành công bước đầu về tăng trưởng xanh. Các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (chiếm khoảng 2% tổng GDP). Những thành công bước đầu này phần lớn nhờ vào các khoản đầu tư vào các lĩnh vực xanh, đặc biệt là từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ước tính, giai đoạn 2017-2021, có khoảng 9 tỷ USD FDI được huy động vào các lĩnh vực xanh tại Việt Nam, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và sản xuất trang thiết bị, máy móc cho các dự án thuộc các lĩnh vực tăng trưởng xanh.

Do đó, cần xác định đây là cơ hội phát triển vô cùng lớn cho Việt Nam xét về dài hạn, nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ trong giai đoạn ngắn hạn. Do chúng ta phải lựa chọn đánh đổi giữa chi phí và lợi ích là khả năng cải thiện môi trường kinh và bảo đảm các mục tiêu về kinh tế - xã hội. Tăng trưởng xanh là “con đường độc đạo” để tiến lên phía trước, không thể nào khác được, nhưng lộ trình có phù hợp hay không sẽ quyết định thành công trên con đường xanh hoá.

Cơ hội cho Việt Nam để xây dựng thành công nền kinh tế xanh

Phóng viên: Theo ông, đâu là lợi thế của Việt Nam khi hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050?

TS Vũ Tiến Lộc: Thực tế, Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho tăng trưởng xanh. Những lợi thế này bao gồm: Nguồn dự trữ các-bon dồi dào đến từ tài nguyên rừng tự nhiên, chiếm tới hơn 40% tổng diện tích trên cạn của quốc gia. Thêm vào đó là thời tiết nóng và ẩm tại vùng cận xích đạo, dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng các-bon lớn. Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng cùng với bờ biển dài nhiều gió…

Mặt khác, dân số lớn (hơn 100 triệu người vào năm 2023, đứng thứ 15 thế giới) với nhận thức ngày càng cao, và ngày càng nhận thức rõ rệt về các yếu tố môi trường và sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025. Nếu tận dụng triệt để tiềm năng, thế mạnh của quốc gia, lợi ích kinh tế - xã hội, cơ hội cho Việt Nam khi xây dựng thành công nền kinh tế xanh là rất lớn.

Phóng viên: Vậy các thách thức đối với tăng trưởng xanh tại Việt Nam là gì?

TS Vũ Tiến Lộc: Dù với đà tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn còn đang trong thời kì sơ khai, vẫn còn nhiều thách thức mà Chính phủ và Nhà nước cần chú trọng quan tâm, xem xét, và tìm phương hướng giải quyết. Trong số đó, ba nhóm thách thức có ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng phát triển nền kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, hệ thống chiến lược với nhiều mục tiêu, định hướng và hành động trong Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hiện còn chưa được lồng ghép triệt để hoặc chi tiết hóa, đặc biệt ở các nội dung chuyên ngành. Thí dụ như trong Quy hoạch phát triển điện lực, các quy hoạch hoặc chiến lược phát triển giao thông, liên ngành như: các quy hoạch hoặc chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ đa ngành, và cả ở cấp địa phương như cấp tỉnh và thành phố.

Thứ hai, thiếu hệ thống cơ sở pháp lý hỗ trợ cho tăng trưởng xanh một cách đồng bộ, chặt chẽ, bao gồm một hệ thống phân loại xanh (“Green taxonomy”) hoàn chỉnh, thống nhất trên cấp độ quốc gia và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng. Hệ thống phân loại xanh là tiền đề đặc biệt quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế xanh, đặc biệt đối với khối tư nhân và tổ chức quốc tế để xác định các cơ hội đầu tư và phát triển các dự án xanh tại Việt Nam. Dựa theo hệ thống phân loại xanh, các cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, như các ưu đãi đầu tư xanh, hay các chương trình dự án thí điểm xanh cần được phát triển và triển khai, đảm bảo sự phù hợp thị trường và giảm thiểu rủi ro với nhà đầu tư. Tại Việt Nam, tiến trình xây dựng một hệ thống phân loại xanh chính thức toàn diện ở cấp quốc gia cần phải được đẩy nhanh. Cùng với danh sách dự án xanh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2017, một hệ thống phân loại chính thức vẫn đang được các cơ quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính phát triển, cùng với hệ thống phân loại ASEAN mới được triển khai. Việc thiếu một nguồn thông tin duy nhất tạo ra những thách thức lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi đầu tư vào các dự án xanh.

Thứ ba, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ khiến các dự án xanh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính, bao gồm cả huy động vốn hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Hệ thống Đo đạc, Báo cáo và Thẩm tra (MRV) chưa hoàn thiện và thiếu quy trình tiêu chuẩn cho các công cụ tài chính mới (như trái phiếu xanh) là một nút thắt lớn cho việc huy động nguồn tài chính xanh. Các tổ chức quốc tế như UNFCC, Ngân hàng Thế giới, đã xây dựng các hướng dẫn cụ thể để giúp các quốc gia thiết lập hệ thống MRV. Tại Việt Nam, một số hành động ban đầu đã được thực hiện để bắt đầu quá trình thiết lập MRV, cụ thể là các yêu cầu và biểu mẫu báo cáo cho doanh nghiệp; hướng dẫn quy trình xác minh và đánh giá, và những nghiên cứu về quy trình thiết lập MRV21. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng đối với đầu tư các dự án xanh và phát triển thị trường các-bon đang gây áp lực buộc phải thúc đẩy nhanh chóng hơn việc phát triển và ban hành hệ thống và tiêu chuẩn MRV quốc gia chính thức, vốn vẫn chưa có thời gian triển khai dự kiến.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ở Việt Nam cần sự hướng dẫn triển khai đồng bộ, dự án thí điểm và hỗ trợ nâng cao năng lực huy động vốn, đặc biệt với những sản phẩm và cơ chế tài chính mới còn xa lạ đối với thị trường Việt Nam. Cơ sở hạ tầng cần thiết cũng là một yếu tố cần phát triển để đảm bảo giao dịch hiệu quả, đơn cử như cơ chế giao dịch cho sản phẩm tài chính xanh, đảm bảo tính minh bạch, nâng cao khả năng thanh toán và tăng cường hệ thống dữ liệu. Cuối cùng, các ưu đãi đặc biệt dành cho các sản phẩm hỗ trợ tài chính cần được áp dụng nhằm giúp các dự án xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với các tổ chức tài chính quốc tế, ví dụ như các điều chỉnh các hạn chế về tái cấp vốn và nới lỏng giới hạn cho vay.

Thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và bình đẳng xã hội

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể “đi sau về trước” trong tiến trình hiện thực hóa những cam kết nêu trên?

TS Vũ Tiến Lộc: Để thúc đẩy triển khai các định hướng tăng trưởng xanh dài hạn và bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tám nhóm hành động cần được triển khai:

Thứ nhất, lồng ghép các mục tiêu và định hướng quan trọng của chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, kèm theo kế hoạch hành động ưu tiên trong ngắn hạn đến 2025.

Thứ hai, cần xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp.

Thứ ba, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố.

Thứ tư, các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ năm, các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh sẽ là cần thiết để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt là trong các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của các công nghệ mới.

Thứ sáu, Việt Nam có thể ứng dụng mô hình dự án thí điểm cho các lĩnh vực kinh tế xanh trọng điểm dựa trên đối chuẩn quốc tế, nhằm thử nghiệm và hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ liên ngành và thu hút vốn FDI. 

Thứ bảy, việc xây dựng một kế hoạch huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam là vô cùng cấp thiết và quan trọng, nhằm huy động và quản lý nguồn lực đầu tư, tài chính cho tăng trưởng xanh một cách toàn diện, cụ thể, bảo đảm rằng các mục tiêu tăng trưởng xanh của nước nhà được thực hiện với việc sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực sẵn có.

Thứ tám, Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp liên bộ, theo sát việc thực thi triển khai những chủ trương, kế hoạch, định hướng sẵn có, đồng thời tích cực làm việc với các đối tác, chuyên gia, tổ chức quốc tế...

Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Tuy nhiên, là một trong những nước đi sau trong quá trình tăng trưởng xanh, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn ở phía trước. Để vượt qua những khó khăn đó, Việt Nam cần nhanh chóng xác lập các lộ trình rõ ràng, tập trung vào các mục tiêu và giải pháp phù hợp sẽ không chỉ tối đa hóa cơ hội thành công của Việt Nam mà còn bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên. Tăng trưởng xanh, Net Zero, đồng thời thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và bình đẳng xã hội là một thách thức lớn lao, nhưng cũng là một trong những cơ hội hiếm có nhất cho Việt Nam trong thế kỷ 21 để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.

 Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực