Cần làm rõ các tác động khi áp thuế VAT với mặt hàng phân bón

Chủ nhật, 10/11/2024 16:22
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Quốc hội đã trình dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất áp thuế đối với mặt hàng phân bón và nếu áp thuế, sẽ ở mức bao nhiêu; Quy định này sẽ có tác động đến thị trường phân bón, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và đặc biệt là người nông dân – những người sử dụng mặt hàng này như thế nào?

Ngày 10/11, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Toạ đàm thuế VAT cho phân bón - Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước đã diễn ra để cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn tác động nếu áp thuế VAT đối với thị trường phân bón và hoạt động sản xuất của nông dân. Từ đó, nhìn nhận những lợi ích, những băn khoăn, vướng mắc nếu triển khai và đề ra các giải pháp để quy định đi vào đời sống xã hội hiệu quả nhất. 

 Quang cảnh tại điểm cầu trực tiếp Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt (Ảnh: HNV).

Tham dự  Tọa đàm có: Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam (dự tọa đàm trực tuyến); PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế Tài chính; Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy; Đại diện Vụ Chính sách Tổng cục Thuế; Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ (dự tọa đàm trực tuyến).

Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam khẳng định lại, một trong ba chức năng chính của Hội Nông dân Việt Nam là chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân và tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Đặc biệt, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín để cung ứng phân bón cho nông dân theo hình thức trả chậm... Đồng thời, Hội cũng thường xuyên giám sát, phản biện xã hội, nắm bắt, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, trăn trở của nông dân về chất lượng, giá cả phân bón để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bênh vực, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư chi phí sử dụng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào của trồng trọt. Giá phân bón sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân. Việc Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó có nội dung chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất đang thu hút sự chú ý của nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón. Đây cũng là một trong những nội dung được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo luận. Trên nghị trường Quốc hội, nội dung này cũng còn một số ý kiến tranh luận.

 Nông dân Cà Mau sử dụng phân bón canh tác nông nghiệp (Ảnh: Chương Nguyễn)

Chia sẻ trực tuyến tại Toạ đàm, ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, áp thuế 5% sẽ đảm bảo lợi ích “ba nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Theo đó, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận với nhau rằng việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón là hướng đi đúng đắn trong tình hình hiện nay, đảm bảo lợi ích 3 nhà. 

Phát biểu tại Toạ đàm, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho hay, cần tính kỹ tác động đến nông dân, đối tượng phải chịu thuế VAT. Cụ thể, hiện mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT trong khi đề xuất có hai phương án: một là có đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế GTGT hay không; hai là nếu đưa vào chịu thuế GTGT, mức thuế suất là bao nhiêu sẽ phù hợp? Hai phương án đều có sự tác động khác nhau. Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đưa ra bản phân tích chi tiết về mức thuế suất đề nghị áp dụng giữa 0% và 5%. “So sánh 2 phương án là 5% hay 0%, đầu tiên chúng ta phải khẳng định là mỗi một kịch bản đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Không có một kịch bản nào là toàn diện và phải nói là rất khó để so sánh. Tôi đề xuất nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, trước khi thông qua trình toàn văn dự thảo Luật Thuế GTGT” - đại biểu Phan Đức Hiếu nói.

Đồng quan điểm nhưng cũng có bổ sung, ông Phạm Văn Hòa – Uỷ viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, giải trình của Thường vụ Quốc hội cho thấy, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi năm 2014 và chuyển từ việc chịu thuế suất 5% sang không chịu thuế, chính sách này đã gây ảnh hưởng, bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian qua. “Quan điểm của tôi là đồng tình với giải trình của Thường vụ Quốc hội. Đó là phải áp thuế suất GTGT 5% đối với ngành phân bón. Phân bón hiện nay là loại hàng hóa trong diện bình ổn giá. Nhà nước sẽ điều tiết để đảm bảo phân bón không tăng cao", ông Hòa chia sẻ.

 Các chuyên gia, đại biểu tham dự Toạ đàm (Ảnh: HNV)

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho hay, trước năm 2014 đã có thuế 5% đối với mặt hàng phân bón. Đến tháng 1/2015, khi đưa thuế đối với mặt hàng phân bón về 0%, nông dân vui, nông nghiệp đã có tăng trưởng. Tuy nhiên, sau đó, khi thị trường nông nghiệp gặp một số vấn đề, doanh nghiệp gặp khó khăn, có nhiều doanh nghiệp lao đao, cũng có nơi sản xuất phân bón kém chất lượng… Thêm nữa, thời điểm này xuất hiện doanh nghiệp thành lập mới nhưng buôn bán thuế GTGT làm cho thị trường phân bón rất phức tạp.

Về việc áp thuế GTGT với phân bón, quan điểm của ông là phải điều tiết trở lại, đồng thời Nhà nước cần phải bình ổn giá. Nông nghiệp phải khẳng định đó là thước đo, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững thì sự điều tiết của Nhà nước phải đủ lớn, bền vững.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ, áp thuế giá trị gia tăng nhưng phải thỏa mãn các điều kiện và Nhà nước phải cam kết được việc bình ổn giá, tập trung 4 nội dung gồm: Thứ nhất, đầu tư cho cải tạo đất; thứ hai, hỗ trợ cho nông dân và hợp tác xã chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ; thứ ba, hỗ trợ cho công tác đào tạo nông dân; thứ tư, hỗ trợ cho sản xuất xanh. 

Một khâu trong dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau. (Ảnh: HNV) 

Phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và sẽ giảm được giá thành khi phân bón quay lại chịu thuế GTGT 5%; phân bón nhập khẩu chiếm dưới 27% thị phần và có khả năng sẽ phải tăng giá khi bị đánh thuế GTGT 5%. Các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải căn cứ giá nhập khẩu thực tế, mặt bằng giá trong nước khi có chính sách mới để tính toán giá bán với mức lợi nhuận hợp lý để duy trì khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Với cơ chế thị trường và thị phần lớn của phân bón sản xuất trong nước nếu phân bón trong nước giảm được giá thành thì mặt bằng giá trong nước nhìn chung sẽ ở xu thế giảm hơn.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, nếu 0% thì không có hoàn thuế. Luật thuế VAT chỉ cho phép khấu trừ (Lấy VAT đầu ra trừ VAT đầu vào). Nếu VAT đầu vào lớn hơn VAT đầu ra chỉ được khấu trừ hết VAT đầu ra, còn lại tính vào giá thành. Vì thế, Luật sửa đổi có thêm Điều 15 về khấu trừ thuế VAT nếu chỉ đánh thuế VAT 5%. Nhà nước thu thêm thuế có thể hỗ trợ nông nghiệp, nông dân trực tiếp theo diện tích, loại cây trồng… hay gián tiếp qua phát triển cơ sở hạ tầng, hay nghiên cứu, áp dụng giống cây, con mới…/.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực