|
Cần minh bạch thị trường vàng trong năm mới 2024 (Nguồn: C.G) |
Giá vàng tăng cao kỷ lục
Những tháng cuối năm 2023 đã ghi nhận sự tăng tốc đáng kinh ngạc của giá vàng tại thị trường Việt Nam. Ngày 22/12/2023, giá vàng miếng SJC vọt lên sát 77 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng đã từng lập tháng 3/2022.
Năm 2023, giá vàng trong nước sau khi tăng liên tục trong tháng 1/2023, có lúc vượt 69 triệu đồng/lượng thì đã giảm và dao động trong phạm vi hẹp trên dưới 67 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7.
Tính chung cả năm, giá vàng miếng SJC tăng 9,4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, từ 67,4 triệu (ngày 15/1/2023) lên 76 triệu đồng/lượng vào sáng 22/12. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng tương ứng 8,05 triệu đồng/lượng, từ 55,05 triệu đồng/lượng lên 63,1 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng do tác động từ giá thế giới thời gian qua tăng cao ở mức hơn 2.000 USD/ounce, trong bối cảnh đồng USD tụt giá. Sau số liệu kinh tế Mỹ củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Lúc 11 giờ trưa nay giá vàng thế giới đứng ở 2.053,2 USD/ounce, tăng 3 USD so với đầu giờ sáng.
Thứ hai do bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và gần đây là xung đột giữa Israel với Hamas - dù đã có lệnh ngừng chiến nhưng chưa rõ ràng đã khiến vàng được coi là kênh trú ẩn an toàn.
Trong bối cảnh này một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng. Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt 1.000 tấn trong năm nay.
Với giá vàng trong nước, tăng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, thị trường chứng khoán cũng sụt giảm, bất động sản trầm lắng. Bên cạnh đó, cuối năm luôn là thời điểm có nhu cầu mua tích trữ vàng lớn.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân giá vàng trong nước tăng cao không chỉ chịu tác động bởi giá vàng trên thế giới. Ngoài ra nó còn có những nguyên nhân khác, nền kinh tế vĩ mô đang trong tình trạng khó khăn nên các nhà đầu tư đang tìm kiếm một kênh đầu tư để sinh lời cao.
Trong bối cảnh thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội như vậy, ngày 27/12, nhằm ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức ra công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó cũng ra thông điệp khẳng định sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý, kinh doanh vàng và các trung gian thanh toán nghiêm túc thực hiện việc tăng cường nhận biết khách hàng và giao dịch của khách hàng thông qua thu nhập, xác minh thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng; báo cáo ngay đến Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước khi có giao dịch với giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ; kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Hiện nay, theo Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Theo nhiều ý kiến, đây là một chỉ đạo rất kịp thời để chấn chỉnh giá vàng trong nước, nhất là giá vàng SJC, và quan trọng nhất là đã “buộc” các cơ quan chức năng phải khẩn trương hành động.
|
Sàn giao dịch vàng Seoul, Hàn Quốc (Nguồn: TTXVN) |
Thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả
Nên thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới, đây là kiến nghị của các chuyên gia tại Tọa đàm ‘Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuẩn sản xuất ra đồ trang sức. Người Việt Nam, tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai, tâm lý tích trữ rất cao, chính vì vậy, người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng.
Cũng theo ông Cường, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai, bất kể người nào tham gia sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường này đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát tốt hơn.
Một điểm quan trọng nữa, nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông trên thị trường thế giới sẽ dễ dàng, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
Theo ông Cường, khi thành lập Sàn vàng cần tính tới mô hình sẽ như thế nào, cấp độ sàn sơ cấp chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn… Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động nhằm phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn.