Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính là giải pháp
giúp nâng cao giá trị sản xuất của ngành chè Việt Nam (Ảnh: BT)
Theo Hiệp hội chè Việt Nam, hiện nay, thị phần xuất khẩu chè của Việt Nam vào các nước phát triển vẫn còn khá thấp; vẫn còn ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của các nước đề ra. Cùng với đó, các sản phẩm chè mới chỉ được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu; thương hiệu vẫn còn hạn chế.
Phân tích về nguyên nhân làm chất lượng chè chưa được tốt, Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Nguyễn Thị Ánh Hồng cho rằng, việc chăm sóc cây chè không đúng cách dẫn đến chúng ta không thể có thu hoạch trong dài hạn cũng như nâng cao chất lượng của sản phẩm. “Với việc phun thuốc trừ sâu quá nhiều thì các loại cây sẽ tận thu. Mà với cây cây tận thu, trong một thời gian ngắn sẽ hỏng, chúng ta phải trồng lại từ đầu. Nếu chúng ta làm đúng canh tác nông nghiệp thì sẽ cho tuổi đời của cây lâu hơn và sẽ cho hiệu quả tốt hơn thông qua sản lượng của cây.” – bà Nguyễn Thị Ánh Hồng nêu dẫn chứng.
Để đưa ngành chè của Việt Nam phát triển, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng cho rằng, cần giới thiệu các sản phẩm đặc sản chè của Việt Nam đến với thị trường người tiêu dùng. Đồng thời, Hiệp hội chè Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Bộ đưa ra những quy định tốt hơn về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như đưa ra những hỗ trợ trong việc đào tạo người nông dân.
Theo Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài, giải pháp nền tảng là cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện nay, Ban Chỉ đạo phát triển chè bền vững và Hiệp hội chè Việt Nam đã khuyến cáo các địa phương phân chia vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn liền với người nông dân. Trong đó, Nhà nước cần đứng ra phân vùng nguyên liệu để các nhà máy có trách nhiệm với nông dân, còn nông dân gắn bó với nhà máy, cung ứng đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần triển khai nghiêm chỉnh Luật An toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, các tổ chức tham gia cần tạo điều kiện giúp đỡ người nông dân, tạo điều kiện cho người nông dân tham gia sản xuất cùng doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để tạo sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng, cần có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đủ mạnh tham gia để đưa ngành chè phát triển và xây dựng được thương hiệu chè cho Việt Nam. Qua đó, biến bán nguyên liệu từ dạng tư liệu sản xuất thành bán thành phẩm tư liệu tiêu dùng, nâng cao giá trị sản xuất.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để nâng cao hiệu quả sản xuất ngành chè, cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phát triển sản xuất chè an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè, có hiệu quả và bền vững. Rà soát, cập nhật, xây dựng và ban hành quy trình sản xuất chè an toàn để người dân dễ áp dụng. Rà soát, trình Bộ điều chỉnh Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho chè và chỉ đạo kiểm tra giám sát bảo vệ thực hiện Danh mục này; tổ chức kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè nguyên liệu và chè thành phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ.
Mặt khác, cần triển khai đào tạo đội ngũ cán bộ ở các vùng chè sản xuất chè tập trung và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn với sản phẩm chè. Các địa phương chỉ xem xét cấp phép đầu tư, xây dựng mới và mở rộng nhà máy chế biến chè với những nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại và có vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Riêng về quy hoạch, kế hoạch phát triển chè an toàn, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn đối với từng tỉnh, xây dựng đề án, các dự án khoa học công nghệ, khuyến nông phục vụ cho sản xuất, chế biến chè an toàn. Thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Song song với đó, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại trên cơ sở phân tích và đánh giá thị trường để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu chè Việt ra thị trường quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa chè Việt Nam vào các thị trường cao cấp, khó tính nhằm nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh chè. Về tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển mạnh các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn, mô hình hợp tác dịch vụ sản xuất, phun thuốc bảo vệ thực vật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chế biến thông qua hình thức hợp tác cung cấp vật tư đầu vào để quản lý vùng nguyên liệu hoặc các địa phương chủ động phân vùng nguyên liệu để tăng cường quản lý chất lượng chè.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2016, diện tích chè cả nước đạt khoảng 133,4 nghìn ha; sản lượng chè búp tươi đạt xấp xỉ 1.025,2 nghìn tấn, tăng 16,6% so với năm 2011. Về năng suất chè cả nước, bình quân đạt 86,9 tạ búp tươi/ha, tăng 13,2% so với 2011; giá trị xuất khẩu đạt 223 triệu USD.
Trong năm 2016, thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam là Pakistan với 36,2% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu chè trong năm 2016 tăng mạnh là Ấn Độ (gấp 11,2 lần), Trung Quốc (gấp 2,2 lần), Indonexia (tăng 46,2%) và Malaxia (tăng 41,4%). Về giống chè, trên phạm vi cả nước, bước đầu đã có chuyển biến theo hướng tăng tỷ lệ các giống chè chất lượng khá và chất lượng cao. Hiện nay, vùng sản xuất giống chè tập trung tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái và Lâm Đồng. Trong đó, có khoảng 200ha vườn chè đầu dòng giống mới đã được thẩm định và công nhận, có khả năng cung cấp trên 300 triệu hom giống, đáp ứng đủ nhu cầu cho trồng mới và trồng thay thế hàng năm của cả nước./. |