Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đưa sản xuất nông nghiệp
theo quy mô lớn và chất lượng sản phẩm đồng đều (Ảnh: BT)
Nguyên nhân từ đâu? Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, đầu tư của doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp vẫn còn thấp. Trong đó, số lượng doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản (NLTS) còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Điều này có thể thấy ở giai đoạn 2010-2014, tốc độ tăng số doanh nghiệp NLTS đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm. Tỷ trọng doanh nghiệp NLTS so với doanh nghiệp cả nước cũng giảm từ 1,01% năm 2010 xuống còn 0,96% năm 2014 và đa phần là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm khoảng 55%).
Cùng với đó, trong 10 tháng năm 2015, số doanh nghiệp NLTS thành lập mới là 1.814 doanh nghiệp, tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, số ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn với 2.019 doanh nghiệp, tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014.
Những con số trên cho thấy, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà để đẩy mạnh công tác đầu tư vào ngành nông nghiệp. Vậy, nguyên nhân từ đâu?
Bản thân ngành nông nghiệp vốn được xem là một trong những ngành có nhiều rủi ro khi thiên tai mưa, lũ, bão, các đợt rét đậm, rét hại, cùng với các dịch bệnh phát sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thường xuyên đe dọa tới năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành nông nghiệp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thu hồi vốn và lãi từ các lĩnh vực đầu tư ngành nông nghiệp khá bấp bênh.
Một vấn đề quan trọng nữa là: Để đầu tư trong nông nghiệp, doanh nghiệp rất cần đất. Đất là phương tiện quan trọng và cần thiết để doanh nghiệp tham gia đầu tư vùng nguyên liệu để cung ứng sản phẩm cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu, làm thức ăn chăn nuôi, xây dựng các trang trại,… Tuy nhiên với ruộng đất hiện nay, quy mô diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn cho việc tạo vùng rộng lớn cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn từng cho rằng, việc tích tụ đất để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất rất khó khăn. Hiện nay, chúng ta không còn đất sạch hàng trăm ha, trong khi các doanh nghiệp mong muốn có nhiều đất, thậm chí hàng chục nghìn ha để sản xuất.
Cùng với đó, hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, dường như những cơ chế, chính sách đó vẫn chưa thực sự tạo được động lực thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Đi tìm lời giải để gỡ khó...
Đã đến lúc chúng ta cần tìm ra những giải pháp để gỡ khó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp. Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn cho rằng, rất cần có chủ trương chỉ đạo các địa phương hình thành các vùng chuyên canh tập trung mang tính quy mô địa phương để thu hút các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư sản xuất với nông dân. Chỉ có vùng chuyên canh với quy mô rộng mới tạo được vùng nguyên liệu đảm bảo cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Với nguồn đất, rất cần có những giải pháp mang tính đột phá để tập trung tích tụ giúp những doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp sẽ có đất phục vụ sản xuất. Đặc biệt trong việc tích tụ ruộng đất, rất cần hình thành các hợp tác xã với sự tham gia của nông dân. Thông qua đó, người dân cùng góp đất với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất rộng lớn để canh tác.
Trên lĩnh vực khoa học công nghệ - một trong những khâu mang tính đột phá của ngành nông nghiệp, rất cần tạo cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia nghiên cứu với các viện, cơ quan, đơn vị của nhà nước. Trong vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, cần cho phép thành lập các viện nghiên cứu trong các tập đoàn lớn. Hiện nay, một số tập đoàn đã có trung tâm nghiên cứu, tuy nhiên rất cần Nhà nước có cơ chế phát triển, tạo điều kiện cho các tập đoàn phối hợp nghiên cứu với các viện nghiên cứu của Nhà nước. Có như vậy, mới đưa được những công nghệ mới nhất của thế giới vào Việt Nam.
Cùng với đó, theo bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, điều mà doanh nghiệp cần hiện nay là tính minh bạch, minh bạch về thông tin sản phẩm, các quy chuẩn quy chuẩn, minh bạch về cơ chế chính sách,…
Bà Thái Hương cho rằng, nếu không minh bạch, khi hội nhập quốc tế, đơn cử chúng ta không đưa ra được những quy chuẩn riêng cho các mặt hàng thì vô tình, đã tạo cơ hội cho các mặt hàng của nước ngoài tràn vào và khả năng không tránh khỏi những mặt hàng kém chất lượng. Với tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng thì chính bản thân chúng ta đang tự cản trở chính mình. Chỉ khi minh bạch thì các doanh nghiệp mới có điều kiện để yên tâm sản xuất và cạnh tranh lành mạnh.
Việt Nam là nước có nhiều lợi thế để sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, chúng ta đã có tới 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm như: Gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn. Để khai thác tiềm năng này, rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để phát huy thế mạnh, đưa các ngành hàng của Việt Nam không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra cùng thế giới với chất lượng và mẫu mã ngày càng đảm bảo. Để làm được điều này, hơn bao giờ hết, rất cần các cơ quan, đơn vị nhà nước cùng phối hợp với các doanh nghiệp để gỡ khó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh./.